Chuyện chưa kể sau những công trình khoa học phụng sự nhân loại
Để có “mùa xuân” rực rỡ như hôm nay, ít người biết rằng, Trí tuệ nhân tạo (AI) đã từng trải qua những “mùa đông” lạnh lẽo. Đó là những “mùa đông” vào các năm 1980 và đầu thập niên 1990, khi nhiều nghiên cứu bị công chúng hoài nghi, thậm chí bị phản đối, các công ty đầu tư quay lưng.
“30 năm trước nhiều người không quan tâm AI, thậm chí lĩnh vực này còn bị bỏ quên, coi như đã chết. Sự quan tâm của công chúng với AI luôn trồi sụt. Máy học có lúc gần như bị khai tử”, GS. Yann LeCun, một trong những chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2024, nhớ lại.
Cũng chính vào giai đoạn khó khăn đó, chàng thanh niên LeCun đã bắt đầu hành trình giải mã “bí mật của trí thông minh” với công trình đầu tiên về mạng nơ-ron. Tuy nhiên, sức mạnh tính toán hạn chế vào thời điểm đó khiến việc thực hiện trở nên khó khăn, dẫn đến sự hoài nghi lan rộng.
Đến năm 1987, khi làm việc tại Phòng thí nghiệm Bell Labs (Mỹ), ông cùng các đồng nghiệp, gồm Geoffrey E.Hinton và Yoshua Bengio, phát minh ra Mạng tích chập. Nhờ đó, một kỷ nguyên đột phá của AI đã được mở ra khi máy móc có thể “học” từ lượng dữ liệu khổng lồ và đưa ra những dự đoán chính xác đáng kinh ngạc.
“Nghiên cứu là hành trình tìm tòi, có thể không mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng điều quan trọng là cần đa dạng ý tưởng và không sợ thất bại”, GS. Yoshua Bengio đúc kết.
Những năm 1980, cũng là mốc thời gian GS. Carl H. June - một trong số những nhà khoa học đạt giải Đặc biệt VinFuture 2024, trăn trở với hành trình cứu sống bệnh nhân mắc bạch cầu. Giải pháp cấy ghép tủy xương vẫn khiến bệnh nhân tử vong khi cơ thể không tương thích với người hiến tủy.
“Tôi đã nảy ra ý nghĩ làm thế nào để có thể tạo ra được tế bào T ngay từ cơ thể của bệnh nhân. Trước đó, trong lịch sử các nhà khoa học chưa từng thử làm như vậy”, ông kể lại.
Thời điểm đó, chỉ một số ít phòng thí nghiệm nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch, vốn không được coi là hướng đi hứa hẹn để điều trị ung thư. Ý tưởng của Carl H. Junne thậm chí bị coi là viển vông vì liên quan đến biến đổi gen.
Song, không vì thế mà ông và những đồng nghiệp tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) bỏ cuộc. Hành trình đưa liệu pháp điều trị ung thư bằng tế bào CAR-T của ông và các đồng nghiệp đã mất gần 30 năm để trở thành hiện thực.
Câu chuyện của TS. Firdausi Qadri - “người hùng” trong cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm tại Bangladesh cũng đặc biệt truyền cảm hứng cho cộng đồng. Học tiến sĩ ở Đại học Liverpool năm 1980, dù có cơ hội ở lại Anh, nhưng bà vẫn quyết định về nước khi chứng kiến mỗi năm tại quê nhà có khoảng 70 - 80 triệu người có nguy cơ mắc bệnh tả.
“Khi làm việc trong phòng nghiên cứu, tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân đau đớn vì gặp các vấn đề về tiêu chảy. Tôi nghĩ rằng, nếu chỉ làm việc trong phòng nghiên cứu là không đủ. Vì vậy tôi quyết định mở rộng sang các lĩnh vực khác, như chính sách và y tế công cộng, tập trung nghiên cứu vắc xin để có thể hỗ trợ, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng”, TS. Firdausi Qadri chia sẻ.
Cải tiến vắc xin dạng uống ngừa bệnh tả của TS. Firdausi Qadri đã thúc đẩy việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Bangladesh cũng như các nước có thu nhập thấp khác. Đây cũng chính là công trình mang về cho bà Giải đặc biệt VinFuture 2024 dành cho Nhà khoa học từ các nước đang phát triển.
… đến giải thưởng danh giá VinFuture và hơn thế nữa
Đứng trên sân khấu của Lễ trao giải VinFuture 2024, nhiều nhà khoa học cho biết, giải thưởng với họ chính là sự ghi nhận và cổ vũ to lớn trên hành trình cống hiến cho khoa học.
“Giải thưởng không chỉ phản ánh thành tựu cá nhân tôi mà còn là tưởng thưởng với đội ngũ cơ quan tôi và phản ánh sức mạnh của khoa học trong xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, TS. Firdausi Qadri chia sẻ.
Ông Jensen Huang, CEO của NVIDIA, cũng bày tỏ niềm vinh dự khi được đề cử và trao giải VinFuture. Vị doanh nhân có sức ảnh hưởng bậc nhất thế giới đánh giá, Việt Nam đã khởi xướng được một giải thưởng ý nghĩa, tầm vóc như giải Nobel nhằm tôn vinh các thành tựu khoa học đột phá và thúc đẩy hợp tác toàn cầu.
Giải thưởng VinFuture với các nhà khoa học còn có ý nghĩa quan trọng khác, đó là cơ hội giao lưu, trao đổi tri thức, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu trẻ và hàng nghìn sinh viên Việt Nam.
“Tại lễ trao giải, có nhiều người chưa từng nghe về phát minh này nhưng hôm nay cả khán phòng đã chật kín người muốn hiểu thêm về công trình này và những lợi ích của nó. Tôi nghĩ đó là một khía cạnh quan trọng và là giá trị chính của giải thưởng này”, GS. Carl H. Junne chia sẻ trong buổi gặp gỡ các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên Việt Nam sau lễ trao giải VinFuture 2024.
Bên cạnh đó, các chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024 cũng kỳ vọng vào những cơ hội hợp tác mới mà VinFuture mở ra nhằm mang lại những giá trị thiết thực hơn nữa trên nhiều lĩnh vực quan trọng, như phát triển Trí tuệ nhân tạo, Y sinh, Năng lượng và Môi trường… Đơn cử, GS. Carl H. June cho biết nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Philadelphia, Đại học Pennsylvania đang hợp tác với các trường y tại Việt Nam liên quan đến liệu pháp tế bào CAR-T.
Tầm nhìn khác biệt cùng những đóng góp vượt trội cũng là nền tảng giúp Giải thưởng VinFuture ngày càng khẳng định được vị thế là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ danh giá bậc nhất thế giới.
Yen AnhBạn đang xem bài viết Hành trình từ ý tưởng đến khoảnh khắc vinh danh của những chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2024 tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].