Sau chuyến xe đêm từ xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, vợ chồng anh Lò Văn Dịch (sinh năm 1977) tìm tới Khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với khao khát sinh được đứa con không mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) như hai đứa con đầu của anh chị.
8 giờ sáng, anh Dịch và người vợ của mình là chị Lò Thị Doan (sinh năm 1982) cùng 2 đứa con gái của mình có mặt tại Khoa Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Hai cô con gái của anh chị lần lượt chào đời vào năm 2003 và 2005 trong sự vui mừng của cả gia đình. Cuộc sống khó khăn nhưng đầy ắp tiếng cười của gia đình anh Dịch trôi qua được khoảng 5 năm, những dấu hiệu ban đầu của hai con như vàng da vàng mắt, con hay kêu mệt khiến niềm vui thưa thớt dần rồi tắt lịm khi hai con được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
Từ năm 2017, đều đặn mỗi tháng vợ chồng anh Dịch lại đưa 2 đứa con của mình tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương truyền máu. Điều đó đồng nghĩa với việc anh chị phải bỏ nương rẫy đi theo con cứ 7 đến 10 ngày mỗi tháng. Sau khi được phẫu thuật cắt lách, khoảng thời gian giữa các đợt truyền máu còn 2 tháng.
Khác với những lần trước xuống Thủ đô, lần này, bé Lò Diệp Phương và Lò Thị Ngân đi cùng bố mẹ tới bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Nắm tay nhau đi dọc hành lang khoa Hỗ trợ sinh sản, hai vóc dáng nhỏ gầy, chân đi đôi dép lê loẹt quẹt, tay cầm gói kẹo cười vui vì “Con thích có em lắm, con sẽ được làm chị”.
Biết thông tin bệnh viện Phụ sản Hà Nội tài trợ chẩn đoán phôi tiền làm tổ cho cặp vợ chồng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, anh Dịch và chị Doan khấp khởi mừng thầm, nuôi hy vọng sẽ được chào đón đứa con thứ 3 không mang căn bệnh này. Vợ chồng anh Dịch là một trong 3 cặp vợ chồng may mắn được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tài trợ toàn bộ chi phí để chẩn đoán phôi tiền làm tổ.
PGS. TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện sẽ hỗ trợ hết sức cho vợ chồng chị Doan có được đứa con khoẻ mạnh. Vì đứa con này sẽ là cơ hội cứu sống cho cả hai bé gái đang mắc bệnh cũng như chính vợ chồng anh chị. Vì khi em bé khoẻ mạnh sinh ra, bệnh viện tiến hành lưu trữ máu cuống rốn chữa bệnh cho các bé gái trước.
Nói về chi phí thực hiện, bác sĩ cho biết, thông thường, nếu không được hỗ trợ, chi phí sẽ rơi vào khoảng trên 150 triệu đồng. Đó là con số rất lớn với người Việt, đặc biệt với những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì lẽ đó, nhân ngày Thalassemia Thế giới, Bệnh viện thực hiện chương trình chẩn đoán tiền làm tổ miễn phí cho 3 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt.
Qua chương trình, Bệnh viện tiến hành chẩn đoán di truyền tiền làm tổ các phôi không mang gen bệnh để đảm bảo chắc chắn đứa bé sinh ra khoẻ mạnh.
Bệnh viện luôn mong muốn người bệnh song hành cùng bệnh viện, mong nhận được sự quyết tâm từ gia đình này.
PGS. TS Nguyễn Duy Ánh cũng cho biết, trước đây, gen bệnh Thalassemia thường xuất hiện ở dân tộc thiểu số nhưng do ít được quan tâm nên bệnh ngày càng lan rộng ra cộng đồng. Mỗi năm, có 2.000 trẻ đẻ ra mắc bệnh và mang bệnh suốt đời cũng như chi phí điều trị vô cùng tốn kém.
Chính vì vậy, những cặp vợ chồng mang gen bệnh chắc chắn phải chẩn đoán phôi tiền làm tổ mới có nhiều cơ hội được thai khoẻ mạnh. Còn những cặp vợ chồng mang gen bệnh và đã có thai cần thực hiện sàng lọc thai kỳ còn không sẽ phải chấp nhận tỉ lệ sinh ra con mang bệnh (với tỉ lệ 25%).
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, sẽ cố gắng đưa chương trình vào hoạt động thường niên. Tuy nhiên, Bệnh viện kêu gọi sự giúp đỡ, động viên từ cộng đồng vì chi phí cho mỗi ca điều trị như trên khá lớn.
Phương pháp chẩn đoán di truyền tiền làm tổ là phương pháp khá mới trên Thế giới, hầu như mới chỉ có các nước tiên tiến đưa vào thực hiện, ngay cả một số nước trong khu vực cũng chưa cập nhật phương pháp này.
Với chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, không chỉ riêng bệnh Thalassemia mà bất cứ bệnh nào di truyền theo gen từ bố mẹ đều có thể thực hiện. Ở Việt Nam, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đơn vị đi đầu cả nước thực hiện sinh thiết phôi với độ an toàn và tỉ lệ thành công cao.
Tú Anh - Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Hành trình từ Sơn La về Hà Nội tìm lối thoát của 2 vợ chồng người dân tộc Thái tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].