Đợi mãi không thấy có thai, ngỡ ngàng khi phát hiện bị vô tinh
Đó là câu chuyện của 2 vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Linh và chị Nguyễn Thị Hường (ở tiểu khu 2, thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Anh chị cưới nhau từ năm 2015 nhưng sau đám cưới 6 tháng mà không thấy chị có tin vui. Sau khi đi khám tại một BV tư, anh chị và gia đình ngỡ ngàng khi được bác sĩ thông báo: Anh bị vô tinh, cơ hội được làm cha gần như bằng không.
Vẫn hy vọng kết quả bị “nhầm”, anh Linh đi khám thêm ở nhiều nơi thì vẫn nhận được kết quả như vậy. Anh chị chạy chữa đủ kiểu, nhưng nơi nào cũng lắc đầu vì không tìm thấy tinh trùng.
“Mình thất vọng và nặng trĩu nỗi buồn vì mình là con trai độc đinh của bố mẹ. Mình cũng thương vợ nên đã có lúc muốn ly hôn để vợ đi tìm hạnh phúc mới nhưng cô ấy luôn động viên mình cố gắng, bố mẹ cũng động viên còn nước còn tát”, anh Linh chia sẻ.
Duyên lành với BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Sau nhiều năm chạy chữa, anh chị vẫn như “tìm kim đáy bể” trên hành trình đi tìm con yêu. Tình cờ, một ngày đẹp trời, anh được một người bạn vốn hiếm muộn nhưng đã may mắn có cặp song sinh nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội mách, vợ chồng anh Linh quyết định tìm đến đây.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận anh mắc hội chứng Klinefelter (một rối loạn di truyền ở nam giới, dẫn đến tình trạng vô tinh không do tắc nghẽn).
“Bác sĩ Việt là người trực tiếp điều trị cho em nói, đây là hội chứng hiếm gặp, nhưng vẫn có phương pháp hiện đại là mổ Micro TESE, với tình trạng của em thì cơ hội có con là 70%. Gia đình lo sợ mổ đau đớn, nhưng được sự động viên của bác sĩ, em quyết định mổ. Lúc đi, bố em động viên nếu lần này không được, còn có cái nhà, bố sẽ bán nốt để lần sau làm tiếp”, anh Linh nhớ lại.
Anh Linh đã được can thiệp sâu bằng phương pháp Micro TESE – vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng, các bác sĩ đã bóc tách từng mô tinh hoàn để tìm từng con tinh trùng. “Những giây phút đầu tiên, không một “tinh binh” nào được tìm thấy khiến em thật sự lo lắng, nước mắt rơi ngay trên bàn mổ. Lúc đó, Bác sĩ Việt động viên, cứ kiên nhẫn và bình tĩnh. Và rồi niềm vui cứ vỡ òa khi Bác sĩ Việt thông báo mổ tìm được 1, 2, 3 rồi 5, 6..., 9, 10 tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm”, anh Linh nghẹn ngào kể về quá trình điều trị.
Sau mổ, tinh trùng của anh Linh được thụ tinh với trứng của chị Hường. Trải qua quá trình tạo phôi, vợ chồng anh Linh may mắn có được 10 phôi.
Do bản thân có bất thường về di truyền nên vợ chồng anh quyết định thực hiện chẩn đoán di truyền tiền làm tổ để sàng lọc phôi, tìm ra những phôi không có bất thường di truyền và chuyển vào cơ thể chị Hường. Số phôi khỏe mạnh còn lại, anh chị lựa chọn trữ đông tại BV để sử dụng cho sau này. Và thật may mắn, ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên, chị Hường vỡ òa cảm xúc khi biết mình đã đậu thai.
“Thử thai thấy hai vạch, tay chân em run lên không tin là sự thật. Gọi điện về, cả nhà mừng quá kéo ra Hà Nội luôn. Còn chồng em thì khóc ngay vì vui mừng mình có con thật rồi”. Sau “9 tháng 10 ngày” mang thai, tháng 3/2021, chị Hường sinh hạ cô con gái đầu lòng khỏe mạnh, xinh xắn.
Bế con gái xinh xắn và đáng yêu trên tay, anh Linh chia sẻ với chúng tôi: “Lúc vợ em báo tin đậu thai rồi, em mừng khôn tả, giống như được sinh ra lần thứ hai. Ngày con chào đời, em vẫn không tin là sự thực, mắt nhòe đi, bế con trên tay mà em run lắm”.
Bà nội của bé phấn khởi: “Từ ngày có cháu, trong nhà lúc nào cũng tràn ngập niềm vui. Hạnh phúc này tuy đến muộn, song là món quà tuyệt vời nhất mà ông trời và các bác sĩ mang đến cho gia đình chúng tôi”.
Hội chứng Klinefelter là gì?
ThS.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, theo phân loại, vô tinh được chia làm vô tinh do tắc nghẽn và vô tinh không do tắc nghẽn.
Đối với các bệnh nhân vô tinh do tắc nghẽn thì việc lấy tinh trùng không quá khó khăn (vì những trường hợp này tinh hoàn vẫn có khả năng sinh tinh bình thường). Nhưng trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn (do suy tinh hoàn, rối loạn nội tiết tuyến yên hoặc vùng dưới đồi, bất thường về gen, nhiễm sắc thể…) lại là thách thức lớn trong việc điều trị vô sinh nam.
Trong các trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn thì hội chứng Klinefelter là một trong những nguyên nhân. Nam giới vô sinh do mắc hội chứng Klinefelter khá phổ biến (chiếm khoảng 3%) và thường được xếp vào những “ca khó” trong can thiệp hỗ trợ sinh sản và nam khoa.
Nam giới mắc hội chứng này có một cặp nhiễm sắc thể giới tính X thay vì chỉ có một nhiễm sắc thể X, có bộ nhiễm sắc thể (NST) 47XXY (bình thường là 46XY) với đặc trưng là suy sinh dục, rối loạn nội tiết, tinh hoàn teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém hoặc không sinh tinh. Nếu không có sự can thiệp của phương pháp hỗ trợ sinh sản, bệnh nhân sẽ không thể có con tự nhiên.
“Có thể hình dung đây là phương pháp can thiệp sâu để bác sĩ bóc tách từng mô tinh hoàn để “bắt” từng con tinh trùng” – Bác sĩ Việt cho biết.
Cũng theo Bác sĩ Việt, những năm trước, trên thế giới đã thực hiện phương pháp can thiệp kỹ thuật Micro TESE tìm tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm, do đó, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã tìm tòi, hoàn thiện kỹ thuật mổ để giúp bệnh nhân có được đứa con của chính mình.
Năm 2020 là cột mốc đáng nhớ của BV khi những em bé khỏe mạnh đầu tiên từ tinh trùng thu được sau mổ Micro TESE trên bệnh nhân Klinefelter ra đời. Tiếp theo, nhiều em bé được ra đời sau đó không lâu, cùng với rất nhiều trường hợp đã thụ tinh và tạo phôi thành công.
Hiện nay, tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng ở bệnh nhân Klinefelter bằng kỹ thuật Micro TESE là khoảng 51,3%. Có khoảng 30 em bé khoẻ mạnh đã chào đời từ tinh trùng thu được sau phẫu thuật Micro TESE trên bệnh nhân Klinefelter. Do đó, bệnh nhân Klinefelter hoàn toàn có hy vọng có con nhờ phương pháp Micro TESE.
Ngoài áp dụng rộng rãi cho nam giới vô sinh do mắc hội chứng Klinefelter, kỹ thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE cũng thường được chỉ định cho hầu hết trường hợp vô sinh không tắc nghẽn do những nguyên nhân như: teo tinh hoàn do quai bị, hội chứng Sertoli, hội chứng sinh tinh giữa chừng, các bất thường về gen (hay gặp nhất là đột biến mất đoạn gen AZF trên nhiễm sắc thể Y), bất thường về nhiễm sắc thể, … Có rất nhiều bệnh nhân vô tinh đã từng làm các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng đã thành công nhờ Micro TESE.
Từ nay đến ngày 29/5/2022, nằm trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ vàng, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tiếp tục nhận hồ sơ xét duyệt hỗ trợ miễn phí 10 ca vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE (áp dụng cho gia đình thực hiện TTTON). Điều kiện để nộp hồ sơ xét duyệt như sau:
- Chồng vô tinh không bế tắc có chỉ định vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng – Micro TESE để làm TTTON.
- Người vợ không quá 38 tuổi và đủ điều kiện thực hiện TTTON.
- Ưu tiên có giấy xác nhận hoàn cảnh khó khăn của địa phương (bản gốc, dấu đỏ).
Bệnh nhân có nhu cầu có thể nộp hồ sơ về BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội - 431 Tam Trinh (Lô 07 – 3A, Cụm Công nghiệp Hoàng Mai), P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hoàng Mai, Hà Nội. Ngoài ra, chương trình Tuần lễ vàng cũng mang đến nhiều hỗ trợ thiết thực cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Bệnh nhân có nhu cầu có thể gọi vào số điện thoại 024 3634 3636 để được tư vấn.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hạnh phúc vỡ òa khi đón con chào đời của người bố bị vô tinh tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].