Vô sinh thứ phát ở nam giới, nỗi lòng của người trong cuộc
Vô sinh nam được định nghĩa là tình trạng người nam giới/người chồng không thể làm cho người phụ nữ/vợ của mình có thai (trong điều kiện sức khỏe sinh sản của người phụ nữ bình thường) sau 1 năm chung sống mà không dùng biện pháp tránh thai.
Vô sinh nguyên phát ở nam giới được hiểu là người đàn ông đó chưa từng có con.
Vô sinh thứ phát thường được nhắc đến với những người đàn ông đã từng có con nhưng nay không thể sinh thêm do mắc một số bệnh lý ảnh hưởng tới khả năng sinh sản như: giãn tĩnh mạch tinh, viêm teo tinh hoàn… hay bất thường về số lượng, chất lượng tinh trùng.
“Tại Bệnh viện, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều cặp vợ chồng đã từng có con tới khám hiếm muộn. Đa phần các cặp đôi đều nghĩ nguyên nhân không thể sinh thêm là do người vợ mà không biết rằng nam giới cũng có nguy cơ cao nếu không thường xuyên kiểm tra sức khỏe sinh sản.” – Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt chia sẻ với phóng viên.
Có không ít cặp vợ chồng tới khám sau khi người vợ đã điều trị hiếm muộn trước đó nhưng không có kết quả. Tâm lý “phái mạnh” luôn cho rằng chuyện sinh hoạt vợ chồng bình thường thì không thể vô sinh đã khiến nhiều anh chồng một mực “đổ lỗi” cho vợ mà không hề hay biết nguyên nhân thực sự có thể do mình.
Điều trị vô sinh thứ phát ở nam giới – Thắp lên hi vọng có thêm con cho nam giới vô sinh
Nếu noãn (trứng) là trung tâm của các vấn đề sinh sản ở người phụ nữ thì những vấn đề liên quan tới tinh trùng là điểm chính trong sinh sản của nam giới. Việc phát hiện và chẩn đoán vô sinh nam thứ phát rất quan trọng bởi đó là bước đầu để xác định nguyên nhân cũng như hướng điều trị thích hợp, hiệu quả cho bệnh nhân.
Một số nguyên nhân đến từ môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với hoá chất độc hại; thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; chế độ dinh dưỡng không hợp lý hay căng thẳng, mệt mỏi kéo dài; ... cũng khiến giảm chất lượng, số lượng tinh trùng, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh sản của nam giới.
Trong trường hợp này, nam giới cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, giảm thiểu các tác nhân xấu ảnh hưởng tới sức khỏe, tích cực luyện tập để cải thiện chất lượng tinh trùng và có thể có con tự nhiên.
Ngoài ra, tình trạng vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch) cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát ở nam giới. Các trường hợp tắc ống dẫn tinh – mào tinh, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn; sau chấn thương, sau phẫu thuật vùng bẹn bìu và các cơ quan sinh dục … thì tinh hoàn vẫn có khả năng sinh tinh bình thường.
Bệnh nhân sau phẫu thuật nối ống dẫn tinh – mào tinh do tắc, phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh vẫn có thể có con tự nhiên. Một số khác phải thực hiện thủ thuật phẫu thuật “thu” tinh trùng như MESA (phẫu thuật vi phẫu mào tinh), PESA (chọc mào tinh qua da), TESE (lấy mô tinh hoàn tìm tinh trùng) để thực hiện hỗ trợ sinh sản với trứng của người vợ.
Bên cạnh đó, những trường hợp vô tinh do quai bị gây teo tinh hoàn, suy tinh hoàn, rối loạn nội tiết, giãn tĩnh mạch tinh… cũng ảnh hưởng không nhỏ sức khỏe sinh sản nam giới.
Trong những tình huống này, phương pháp Micro TESE (vi phẫu mô tinh hoàn tìm tinh trùng) được coi là “cứu cánh” cuối cùng để tìm thấy tinh trùng, giúp nam giới mắc vô sinh thứ phát được làm cha thêm lần nữa.
Đây là phẫu thuật tương đối khó trong nam khoa, đòi hỏi nhiều kĩ thuật cao khi thực hiện để “bắt” được những chú “tinh binh” đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Nhiều bệnh nhân không tìm thấy tinh trùng khi thực hiện PESA, MESA, TESE đã thành công nhờ Micro TESE.
Trong quá trình thăm khám và điều trị vô sinh nam, ThS.BS Đinh Hữu Việt cũng gặp không ít những trường hợp nam giới đã từng có con nhưng nay không thể sinh thêm đến kiểm tra.
Như trường hợp gia đình anh V.A.Chương (33 tuổi, Quảng Ninh), vợ chồng anh kết hôn năm 2014, sau một năm, vợ anh có thai tự nhiên và sinh bé trai đầu lòng. Cuối năm 2017 đầu năm 2018, anh Chương mắc quai bị và không may bị biến chứng khiến chức năng của tinh hoàn suy giảm.
Với khao khát có thêm con, tháng 04/2019, hai vợ chồng quyết định đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để kiểm tra.
Tại đây, sau khi được bác sĩ thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm, nhận thấy tinh hoàn hai bên teo nhỏ; tinh dịch đồ nhiều lần không có tinh trùng; chỉ số LH, FSH tăng rất cao; anh được chẩn đoán vô tinh không do tắc nghẽn – biến chứng từ lần mắc quai bị trước đây.
Với trường hợp của anh, ThS. BS Đinh Hữu Việt đã tư vấn gia đình nên thực hiện phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng – Micro TESE để Thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ.
“Tỷ lệ tìm thấy tinh trùng sau khi thực hiện Micro TESE với trường hợp không có tinh trùng do biến chứng quai bị gây teo tinh hoàn gần như 100%” – ThS.BS Đinh Hữu Việt nhận định.
Sau phẫu thuật Micro TESE, số lượng tinh trùng tìm được của anh đã đủ để thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với trứng của vợ. Kết quả, một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh chào đời vào tháng 03/2020 trong niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình. Điều mà cách đây ít lâu, anh chị xác định sẽ rất khó khăn để có được.
Nam giới nên duy trì một lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe sinh sản
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của nam giới, đặc biệt là chất lượng tinh trùng.
Để nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng tinh trùng, các chuyên gia khuyến cáo cánh mày râu nên tránh xa các chất kích thích, không sử dụng rượu, bia, thuốc lá…, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng (stress), duy trì lối sống lành mạnh, tích cực luyện tập thể dục thể thao.
Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng hàng ngày có ảnh hưởng không nhỏ tới chức năng sinh lý cũng như sinh sản của nam giới. Nam giới nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, tăng cường các vitamin thiết yếu cho cơ thể. Bổ sung hải sản trong thực đơn bởi các thực phẩm này rất giàu kẽm, tốt cho tinh trùng.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Hữu Việt: “Ngay cả khi nam giới đã lập gia đình và có con thì việc thăm khám định kì là rất cần thiết để kịp thời phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nam khoa. Điều này không chỉ phòng ngừa vô sinh thứ phát mà còn nâng cao đời sống tình dục cho các cặp đôi.”
V.LinhBạn đang xem bài viết Được chẩn đoán vô sinh nam sau khi đã có con nhiều năm, vì sao? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].