Sở Y tế Hà Nội mới có hướng dẫn về việc tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Phòng Y tế, TTYT các quận/huyện/thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền.
Thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng, lập kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản số 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021.
Cụ thể, tiêm liều bổ sung vắc-xin phòng COVID-19 cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên và đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 01 hoặc 02 hoặc 03 mũi tùy theo loại vắc xin) với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng bao gồm: người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người ghép tạng, ung thư, HIV;… người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V. Loại vắc-xin tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.
Tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19 cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 03 tháng.
Đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Loại vắc-xin nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc-xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc-xin véc tơ virus (vắc-xin AstraZeneca).
Đối với những người đã mắc COVID-19 tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành cách ly y tế theo đúng quy định.
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trong và ngoài công lập dựa trên danh sách đối tượng cần tiêm theo đúng hướng dẫn tại đơn vị (bao gồm bệnh nhân điều trị nội trú, người chăm sóc, bệnh nhân ngoại trú nếu có nhu cầu tiêm tại bệnh viện, nhân viên y tế và người lao động), dự trù vắc-xin từng loại và gửi báo cáo cho TTYT đóng trên địa bàn; sẵn sàng tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại khi được huy động.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là cơ quan chuyên môn thường trực, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị trong việc tổ chức triển khai chiến dịch; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp nhu cầu vắc xin từ TTYT các quận/huyện/thị xã làm căn cứ gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ vắc xin; báo cáo kết quả triển khai chiến dịch về Sở Y tế.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19 thế nào? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].