Tăng cường kiểm tra, giám sát
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong 10 tháng năm 2023, toàn TP.Hà Nội đã thành lập hơn 900 đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố về y tế trường học cũng đã tiến hành kiểm tra công tác y tế trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức.
Cụ thể, tại huyện Đan Phượng hiện có tổng số 60 trường học (trong đó 19 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 16 trường THCS, 5 trường THPT). Tổng số học sinh trên địa bàn là 44.795 học sinh (bao gồm cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT). Có 32 trường có tổ chức ăn bán trú cho học sinh.
Quá trình kiểm tra cho thấy, có 31/32 trường tổ chức ăn bán trú được giám sát (đạt 97%); 100% bếp ăn tập thể các trường học có tổ chức ăn bán trú được kiểm tra có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; 100% bếp ăn tập thể trường học có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ đảm bảo theo quy định; 100% các trường sử dụng nước uống đóng bình để uống trực tiếp; hầu hết các bếp ăn tập thể sử dụng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến bao gói sẵn, thực phẩm khô có đầy đủ nhãn mác theo quy định và còn hạn sử dụng;
Còn tại huyện Hoài Đức, kết quả kiểm tra, giám sát các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể tại 65 trường học trên địa bàn cho thấy: 64/65 bếp ăn tập thể đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; 1 cơ sở có vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập và cơ sở đã khắc phục ngay tồn tại.
Trước đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy trường học này đã có nơi bảo quản thực phẩm sống, thực phẩm đóng hộp riêng.
Theo yêu cầu, từ lúc nhập nguyên liệu, sơ chế cho đến khi thực phẩm được nấu chín và phục vụ suất ăn cho học sinh, tất cả chỉ được phép đi theo một chiều để tránh lây nhiễm chéo. Sau khi chế biến xong, thức ăn đều phải lấy mẫu, ghi chép đầy đủ thông tin, bảo quản trong 24 giờ để nếu có xảy ra ngộ độc thực phẩm thì kịp thời truy vết.
Để bữa ăn tại trường học an toàn, chất lượng
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố gồm: quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai.
Trong đó có quy định về việc kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học được triển khai đột xuất hoặc định kỳ theo tháng, quý, năm.
Nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch này là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm, bảo đảm 100% các vụ ngộ độc được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Kế hoạch cũng nhằm mục đích có thể truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, cảnh báo kịp thời nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.
Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố đã kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn thành phố và truy xuất nguồn gốc rau củ quả cung cấp cho bếp ăn trường học tại 9 cơ sở.
Để mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường tiểu học triển khai hiệu quả đòi hỏi nhà trường, chính quyền địa phương và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng phối hợp chặt chẽ. Nhằm tránh hiện tượng trên giấy tờ thì là các công ty cung cấp thực phẩm uy tín nhưng thực tế chỉ là các cơ sở không bảo đảm, việc kiểm tra sẽ thực hiện đến tận nhà cung cấp.
Các nhà trường cũng được tập huấn để nâng cao kiến thức thực hành đúng trong công tác quản lý cung cấp suất ăn. Các đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn sẵn cũng cần làm việc có trách nhiệm, đặt đạo đức kinh doanh lên trên hết, hướng đến lợi ích chung vì bữa ăn an toàn, chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.
Sở Y tế Hà Nội giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố là cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học năm 2022 - 2023. Để triển khai mô hình này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố đã tổ chức các buổi hướng dẫn thực hành an toàn thực phẩm cho người chế biến tại bếp ăn tập thể trường học. Hàng tháng, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát định kỳ tại bếp ăn tập thể trường tiểu học, trong đó đặc biệt chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Hà Nội tăng cường giám sát an toàn thực phẩm trong trường học tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].