Kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 96 bếp ăn tập thể
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, trong năm 2023, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đơn vị cung cấp các suất ăn cho công nhân tại 96 bếp ăn tập thể (trong đó 60 bếp ăn tại khu công nghiệp; cụm công nghiệp 36 bếp); 30 cơ sở cung cấp thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Quá trình kiểm tra, truy xuất, cơ quan chức năng ghi nhận có 710 cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến cho các bếp ăn tập thể. Trong số đó có 27 cơ sở (chiếm tỷ lệ 3,8%), là nhà cung cấp ngoài thành phố, tập trung vào các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Mộc Châu, Sơn La là nhóm chính cung cấp rau và thịt; còn Quảng Ninh, Nghệ An... là nhóm cung cấp các thủy hải sản.
Về hồ sơ pháp lý thủ tục, 100% cơ sở tại 4 khu công nghiệp xuất trình đầy đủ giấy tờ; 52/60 bếp ăn tập thể xuất trình sổ kiểm thực 3 bước; còn 8 bếp chưa đúng quy định.
Về lưu mẫu thức ăn, 58/60 cơ sở lưu mẫu thức ăn đúng quy định; còn lại 2/60 cơ sở không đúng quy định, không niêm phong mẫu, lượng mẫu lưu chưa đủ theo quy định.
Các cơ sở đều bố trí khu vực chế biến riêng biệt, cách xa nguồn ô nhiễm, phân khu riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín, phù hợp với công năng phục vụ đạt tỷ lệ 85,5% (51/60 cơ sở). Một số bếp tường, nền bong tróc, vỡ, ẩm mốc 9/60 cơ sở (chiếm tỷ lệ 15%).
Về hệ thống cống trong khu vực chế biến, 56/60 cơ sở đảm bảo có hệ thống cống trong khu vực chế biến theo quy định (93,3%), còn lại 4/60 cơ sở chưa đảm bảo (cống hở, vệ sinh chưa sạch sẽ, chiếm tỷ lệ 6,7%).
Về trang bị hệ thống lưới chắn côn trùng, có 57/60 cơ sở đạt (tỷ lệ 95%), 3/60 cơ sở không đạt (5%).
Các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%). Với 110 mẫu xét nghiệm tại lab, có 107 mẫu đạt (97,3%), 3 mẫu không đạt (2,7%).
Tổng số cơ sở kiểm tra truy xuất nguồn gốc ghi nhận 29 nhà cung cấp. Trong số đó truy xuất rau củ quả là 17 cơ sở; giò chả là 3 cơ sở; bún và bánh phở 2 cơ sở; đậu phụ 3 cơ sở; thịt lợn và gia súc gia cầm 4 cơ sở.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm
Theo Chi cục ATVSTP Hà Nội, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn có những tồn tại cần khắc phục như: Vẫn còn một số đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả, bún và bánh phở) chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt. Nguồn gốc chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ. Giấy tờ giao nhận hàng hóa chưa đầy đủ thông tin người giao người nhận, thiếu phiếu giao nhận/sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.
Mặt khác, một số cơ sở vẫn chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước. Đặc biệt, tình trạng ngộ độc thực phẩm, tình trạng lây nhiễm bệnh qua thực phẩm vẫn xảy ra. Kết quả ghi nhận của Chi cục ATVSTP Hà Nội từ năm 2010 đến năm 2022 cho thấy, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với 640 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong số đó có 17 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể (chiếm tỷ lệ 63%); có 9 vụ xảy ra tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp mà nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tại các bếp ăn tập thể, nếu môi trường không bảo đảm vệ sinh, vi khuẩn từ đất, nước, không khí ô nhiễm có thể xâm nhập vào dụng cụ chứa đựng, chế biến thức ăn. Ngoài ra, nếu người chế biến thực phẩm không mang găng tay, để thực phẩm sống và chín gần nhau, dùng chung dao thớt cũng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân, thời gian tới, Chi cục ATVSTP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Trọng tâm công tác kiểm tra của Chi cục ATVSTP Hà Nội là truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Do đó, ngoài kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở tại các bếp ăn khu công nghiệp, các đoàn kiểm tra của Chi cục còn tiến hành truy xuất nguyên liệu thực phẩm cung cấp vào bếp ăn.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nhiều người mắc, ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cũng khuyến cáo, đối với đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn khu công nghiệp phải bảo đảm hồ sơ pháp lý đầy đủ, nguồn gốc thực phẩm đưa vào chế biến có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, các doanh nghiệp và nhà thầu cần phải tổ chức những cuộc kiểm tra đột xuất, định kỳ về truy xuất nguồn gốc của các đơn vị cung cấp thực phẩm cho bếp ăn tập thể.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn khu công nghiệp tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].