Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội: Nhiều địa phương phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề

Hiện, nhiều địa phương của Hà Nội đã và đang xây dựng các sản phẩm làng nghề OCOP là cầu nối thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, từ đó góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Sản phẩm OCOP là “sứ giả văn hóa” của địa phương

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn và nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn.

TP.Hà Nội được mệnh danh là vùng đất trăm nghề, với rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, thêu ren Quất Động… Đây chính là một lợi thế để các làng nghề ở Hà Nội thực hiện chương trình OCOP.

Gốm sứ Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội

Gốm sứ Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Hà Nội

Để các sản phẩm OCOP của Hà Nội vươn xa tới các thị trường trong nước và quốc tế, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 49/KH-UBND về Phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP.Hà Nội năm 2023.

Theo kế hoạch thì đến cuối năm 2023, Hà Nội sẽ phát triển từ 5 đến 9 mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch, tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Duyên Thái (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Duyên Hà (huyện Thanh Trì), Di Trạch (huyện Hoài Đức), Vân Hà (huyện Đông Anh), Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa), làng nghề Dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) hoặc địa điểm khác phù hợp.

Địa điểm check-in hút khách tại làng nghề Dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc

Địa điểm check-in hút khách tại làng nghề Dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc

Việc Hà Nội ra đời các Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP nhằm hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất - kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, giúp các làng nghề phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả văn hóa” của một địa phương. Nó thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân tại địa phương. Vì vậy, việc khai thác các yếu tố thể hiện giá trị văn hóa bản địa trong các sản phẩm OCOP giới thiệu đến khách du lịch sẽ giúp tạo điểm nhấn khác biệt, hút khách du lịch, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Các sản phẩm gốm chất lượng của Bát Tràng được trưng bày, giới thiệu đến khách du lịch

Các sản phẩm gốm chất lượng của Bát Tràng được trưng bày, giới thiệu đến khách du lịch

Sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Làng gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những điểm hấp dẫn khách du lịch khi đến Hà Nội. Đến đây, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm làm gốm, giới thiệu lịch sử truyền thống của Bát Tràng, cũng như các sản phẩm gốm chất lượng từ những nghệ nhân gốm của làng.

Theo UBND xã Bát Tràng, hiện Bát Tràng có trên 1.000 hộ sản xuất mặt hàng gốm sứ. Do đó, việc triển khai Chương trình OCOP rất tích cực đối với Bát Tràng. Việc thực hiện OCOP là thước đo cho sản phẩm về chất lượng, giúp du khách có sự nhìn nhận và đánh giá về sản phẩm của Bát Tràng cụ thể hơn, thiết thực hơn, từ đó, giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên.

Hơn nữa, việc Bát Tràng có nhiều sản phẩm OCOP cũng góp phần giúp làng nghề có thêm doanh thu từ hoạt động du lịch. Hiện, Bát Tràng đang nỗ lực hướng đến du lịch xanh, tạo cảnh quan sạch sẽ cho du khách.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thời gian tới, du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai tuyến du lịch trên sông Hồng, đưa du khách đến với nhiều điểm du lịch ven sông, trong đó có Bát Tràng. Đây là một trong những cách để làm mới sản phẩm du lịch Hà Nội, tăng sức cạnh tranh và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Hà Nội.

Làng lụa Vạn Phúc đang là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ

Làng lụa Vạn Phúc đang là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ

Tương tự, làng lụa Vạn Phúc cũng là một điểm đến khám phá, trải nghiệm lý tưởng đối với du khách khi đến với Thủ đô Hà Nội. Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc từ lâu đã nổi tiếng bởi nét tài hoa của những nghệ nhân làng nghề, tạo nên những sản phẩm được làm từ chất liệu tơ tằm truyền thống. Sản phẩm lụa ở đây được nhiều người yêu thích vì nó được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Khi đến làng lụa, du khách có thể tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của làng, tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm, trải nghiệm công việc dệt lụa... Ngoài ra, du khách có thể tham quan các khu vực gồm: Chùa Vạn Phúc; Đền thờ tổ nghề; Miếu Vạn Phúc; Trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc; Trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ - đồ xưa; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hay con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng...

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong số hàng nghìn sản phẩm OCOP của Hà Nội đang có sự góp mặt rất lớn các sản phẩm được sản xuất từ các làng nghề truyền thống. Ðể quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP, Hà Nội đã tổ chức liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiều sự kiện, hội chợ vừa nhằm tôn vinh giá trị sản phẩm vừa khuyến khích các chủ thể OCOP tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm OCOP. Từ đó góp phần khẳng định thương hiệu trong nhận thức của người tiêu dùng.

Thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ những điểm có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và các sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống. Đồng thời, xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn, làng nghề; chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch...

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính