Người bán lòng lợn tiết canh bị mắc liên cầu lợn, bệnh này nguy hiểm thế nào?

Bỗng nhiên bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, người đàn ông tự điều trị tại nhà không đỡ, đến khi vào viện thăm khám thì phát hiện bị mắc liên cầu lợn.

Những người hay ăn tiết canh, thịt lợn tái, thịt sống... dễ có nguy cơ mắc liên cầu lợn. Ảnh minh họa

Những người hay ăn tiết canh, thịt lợn tái, thịt sống... dễ có nguy cơ mắc liên cầu lợn. Ảnh minh họa

Trên địa bàn TP.Hà Nội mới ghi nhận một trường hợp nam bệnh nhân làm nghề bán lòng lợn tiết canh mắc liên cầu lợn.

Được biết, cách đây khoảng 2 tuần, bệnh nhân bỗng nhiên bị sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà không đỡ. Sau đó, bệnh nhân vào BV Quân y 103 thăm khám. Tại đây, kết quả cấy máu của nam bệnh nhân dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).

Theo các chuyên gia y tế, thông thường những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn diễn tiến sẽ rất nhanh, nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như suy đa tạng, trụy tim mạch, viêm màng não, xuất huyết và hoại tử toàn thân… nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh liên cầu lợn là gì?

Bệnh liên cầu lợn do liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây ra. Bệnh có nhiều thể, trong đó hay gặp nhất là thể viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu.

Đối với thể nhiễm trùng máu tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30 – 40 %, thậm chí những trường hợp sốc nặng có tỷ lệ tử vong cao hơn.

Còn với thể viêm màng não mủ thì phụ thuộc vào việc chẩn đoán và điều trị sớm hay muộn, thường thể này có tỷ lệ tử vong dưới 3%. Thể viêm màng não mủ có thể gây biến chứng đến tai và làm người bệnh điếc tai.

Con đường lây truyền liên cầu lợn

Liên cầu lợn là loại vi khuẩn thường trú ở hầu họng của con lợn. Vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào con người qua tiếp xúc trực tiếp như chăm sóc, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh.

Và hay gặp nhất là những trường hợp ăn các món được chế biến từ lợn chưa nấu chín mà có chứa liên cầu lợn như tiết canh, các món thịt sống, thịt tái…

Người bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn ban đầu thường có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, đi ngoài… Những dấu hiệu này thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác khiến nhiều người bệnh nhập viện khi bệnh đã chuyển nặng với một loạt biểu hiện nguy kịch như suy hô hấp, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn gây nguy cơ tử vong rất cao.

Phòng bệnh liên cầu lợn thế nào?

Để phòng bệnh liên cầu lợn, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay.

Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết.

Với những người tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.

Khi người thân có biểu hiện sốt cao, xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa khám, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong do liên cầu lợn.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính