Báo Điện tử Gia đình Mới

Đề xuất sữa mẹ hiến tặng thanh trùng được bảo hiểm y tế chi trả

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 41.000 trẻ đẻ non và những trẻ này rất cần nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế đề xuất bảo hiểm y tế chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi dự kiến sẽ bổ sung sữa mẹ hiến tặng thanh trùng thuộc phạm vi quyền lợi của người có bảo hiểm y tế. Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình và Quỹ BHYT.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về hiệu quả của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong dinh dưỡng điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân và khuyến nghị bổ sung quyền lợi trong Luật BHYT sửa đổi, do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/11, nhân ngày Thế giới vì trẻ sinh non 2023.

Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp tối ưu trong việc cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời là can thiệp hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa tử vong, bệnh tật ở trẻ em.

Ông Toàn cho biết thêm, tại Việt Nam, trong 1,4 triệu trẻ đẻ sống mỗi năm có khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. Đây là nhóm trẻ cần dinh dưỡng từ sữa mẹ nhất, nhưng rất nhiều trong số đó không được bú mẹ hoàn toàn vì trẻ phải điều trị trong đơn vị hồi sức dài ngày và người mẹ thường quá căng thẳng khó tạo đủ sữa.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, khi trẻ không được ăn sữa mẹ đẻ thì sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn tối ưu. Ngoài giá trị dinh dưỡng, sữa mẹ đã được chứng minh là "thuốc" giúp cứu sống trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, bệnh lý cần chăm sóc tích cực trong những ngày tháng đầu đời.

Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho thấy mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ trên cả nước cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày. Ước tính giá thành 1 lít sữa mẹ thanh trùng đạt tiêu chuẩn sử dụng là 1,5 triệu đồng.

Bà Vũ Hoàng Dương, quản lý Chương trình Việt Nam, Aive và Thrive Đông Á Thái Bình Dương cho biết, theo tính toán dựa trên chi phí vận hành ngân hàng sữa mẹ thực tế, giá thành sữa mẹ thanh trùng khoảng 1,4 triệu đồng/lít.

Trung bình mỗi trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý sử dụng từ 50ml - 200ml/sữa/ngày, tương đương khoảng 70.000-280.000 đồng/ngày. Trẻ sử dụng nhiều nhất là 23.925 lít trong trường hợp mẹ nhiễm COVID-19 mức độ nặng phải chuyển bệnh viện dã chiến (trẻ đẻ non 27 tuần tuổi, nặng 1,1kg), tổng chi phí hết hơn 31 triệu đồng do gia đình tự nguyện chi trả vì mong muốn lợi ích tốt nhất cho trẻ trong những ngày đầu điều trị tại hồi sức sơ sinh.

Ước tính, nếu Quỹ BHYT chi trả chi phí sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cho nhóm trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý thì mỗi năm là 30,8 tỷ đồng, tương ứng 0,46% Quỹ BHYT. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm Quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được 76 tỷ đồng từ việc giảm chi phí điều trị cho các bệnh lý viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, lạn sản phế quản phổi và bệnh võng mạc mắt nếu toàn bộ trẻ sinh non nhẹ cân được thanh toán tiền sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong thời gian điều trị tại bệnh viện

Theo WHO, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người, tương tự như máu, huyết tương và mô cầu. Do đó, các chuyên gia đề xuất bổ sung sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục chi trả của BHYT giống như máu và các chế phẩm của máu.

Và nếu được thông qua, chính sách này sẽ san sẻ gánh nặng cho những gia đình có trẻ sinh non, nhẹ cân điều trị dài ngày, tạo điều kiện để nhóm trẻ này được hưởng sữa mẹ. Ngoài ra, BHYT chi trả cho sữa mẹ thanh trùng sẽ tạo điều kiện để mạng lưới ngân hàng sữa mẹ được vận hành tối đa công suất. Mọi trẻ sinh non, bệnh lý chưa có sữa mẹ đẻ sẽ được tiếp cận sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, góp phần giảm chi phí gánh nặng bệnh tật với trẻ và Quỹ Bảo hiểm Y tế.

Việt Nam hiện có 5 ngân hàng sữa mẹ đi vào hoạt động ở các bệnh viện gồm: Phụ sản Nhi Đà Nẵng; Từ Dũ; Sản Nhi Quảng Ninh; Nhi Trung ương; Hùng Vương và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ). Đến nay, có hơn 4.000 bà mẹ hiến tặng 30.000 lít sữa, cung cấp cho 55.000 trẻ sơ sinh. Trung bình mỗi năm thu nhận hơn 10.000 lít sữa từ 350 bà mẹ hiến tặng, cung cấp hơn 9.300 lít sữa mẹ thanh trùng hiến tặng, đạt chuẩn cho hơn 18.000 trẻ. 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO