Xu thế tất yếu, nhiều tiện ích
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, Hà Nội là một trong số các địa phương được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học làm cơ sở để triển khai đại trà ở cấp phổ thông trên cả nước trong thời gian tới. Từ tháng 4/2024, Hà Nội đã tiến hành thí điểm học bạ số với cấp tiểu học và sau đó thực hiện thí điểm với cấp trung học nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số làm cơ sở để triển khai học bạ số thống nhất trên địa bàn thành phố.
Việc thí điểm học bạ số được áp dụng với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 năm học 2023-2024 tại 100% các trường tiểu học trên địa bàn thành phố. Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Hà Nội có 2.852 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 2,2 triệu học sinh. Hiện nay, 100% thông tin học sinh đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, đánh giá: Việc chuyển đổi từ học bạ giấy sang sử dụng học bạ điện tử mang lại nhiều lợi ích trong quản lý, cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn, quản lý sổ sách, thuận tiện lưu trữ, bảo quản. Đặc biệt, phần mềm cho phép kiểm tra, giám sát việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong giáo dục, tránh việc sửa điểm và “làm đẹp” học bạ cho học sinh.
Chia sẻ về ý nghĩa mà học bạ số mang lại, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đã và đang được triển khai ở các trường trên địa bàn quận và nhận được sự hưởng ứng, đánh giá tích cực từ các cán bộ, giáo viên, giúp thầy cô giảm tải hồ sơ trong nhiều công đoạn.
Trước đây, mỗi dịp cuối học kỳ là một sự ám ảnh với giáo viên khi phải ngồi trước chồng học bạ của hàng trăm học sinh ở nhiều lớp trong trường, mở từng cuốn, ghi điểm và ký xác nhận cho từng em thì nay thầy cô có thể dùng chữ ký số và chỉ cần ký một lần.
Các phần mềm hiện đang được các trường trong quận Ba Đình triển khai đã được chọn lọc và mang tính đồng bộ, liên thông và theo đúng các quy định của pháp luật nên không tạo thêm áp lực mà ngược lại, giảm áp lực rất nhiều cho giáo viên về hồ sơ, sổ sách.
"Học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về mặt quản lý, theo dõi, kiểm tra thông tin; dễ dàng điều chỉnh thông tin nếu có sai sót so với học bạ giấy truyền thống, điều này tạo thuận lợi cho giáo viên nhà trường. Với học bạ số, học sinh, phụ huynh và các trường học được cấp quyền truy cập sẽ tra cứu được toàn bộ quá trình học tập của học sinh. Cổng tra cứu học bạ số trực tuyến cũng cho phép xuất ra bản mềm, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GD&ĐT để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể".
Hà Nội dẫn đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học
Triển khai thực hiện thí điểm Học bạ số theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn và thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác thực hiện thí điểm Học bạ số; hướng dẫn, chỉ đạo các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tiểu học tham gia thí điểm triển khai rà soát, đánh giá, chuẩn bị các điều kiện kĩ thuật, nhân sự, nguồn lực bảo đảm các điều kiện để triển khai Học bạ số.
100% các trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. 100% hồ sơ học sinh đã được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. 100% giáo viên, nhân viên đều có kinh nghiệm, trình độ công nghệ thông tin để tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ban hành một số văn bản để đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, ví dụ: Công văn số 1803/SGDĐT-GDTH-CTTT-KHCN ngày 07/6/2024 về việc tăng cường chỉ đạo triển khai thí điểm Học bạ số cấp Tiểu học; Công văn số 7133/VP-KGVX ngày 13/6/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thực hiện thí điểm Học bạ số.
Mới đây, Kết quả triển khai thí điểm Học bạ số các trường Tiểu học trên địa bàn Thành phố tính đến ngày 25/6/2024 đạt tỷ lệ 93,84%, vượt chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (43,84%), Hà Nội hiện là đơn vị dẫn đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hà Nội dẫn đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả triển khai Học bạ số cấp Tiểu học tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].