Khi có một khoản tiền rảnh rỗi nếu không có ý định đầu tư, kinh doanh nhiều người sẽ chọn phương án an toàn và tối ưu nhất đó là gửi tiết kiệm.
Mỗi ngân hàng sẽ cung cấp các gói dịch vụ và kỳ hạn hợp lý để đáp ứng được nhu cầu gửi tiết kiệm đa dạng của khách hàng. Khách hàng cũng có thể lựa chọn gửi kỳ hạn ngắn hoặc dài tuỳ vào mục đích, kế hoạch và nhu cầu sử dụng.
Nếu chọn gửi tiết kiệm ngắn ngày, hãy nắm chắc những tip nhỏ dưới đây để đảm bảo dù gửi ít, gửi ngắn những vẫn đảm bảo sẽ được hưởng lãi suất tối đa.
- Không nên gửi tiền một chỗ
Một quy tắc gửi tiền ngân hàng vô cùng quan trọng mà bạn nên nắm chắc rõ: Bất cứ thứ gì sinh lời đều đi kèm với rủi ro.
Vì hình thức tiết kiệm nào dù an toàn tới đâu vẫn tồn tại xác suất rủi ro khó lường, như: ngân hàng phá sản, tài khoản bị hack,...
Vậy nên nếu bạn có một số tiền lớn muốn tiết kiệm, hãy "chia trứng vào nhiều rổ" để tránh những rủi ro không đáng có.
- Lựa chọn ngân hàng tốt nhất với lãi suất ưu đãi
Việc lựa chọn ngân hàng tốt nhất là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu khi bạn có ý định gửi tiết kiệm. Ngân hàng đó phải thỏa mãn các tiêu chí: uy tín, phát triển ổn định, có bề dày lịch sử, có độ an toàn cao.
Bên cạnh đó, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, mạng lưới hoặc có nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ để triển khai các sản phẩm gửi tiết kiệm online... cũng nên được ưu tiên vì sẽ tạo thuận lợi cho bạn khi muốn giao dịch.
Khi đã có một danh sách những ngân hàng uy tín được lập ra theo những tiêu chí kể trên, hãy tiến hành so sánh mức lãi suất của các sản phẩm và kỳ hạn gửi để lựa chọn được ngân hàng tốt và phù hợp nhất.
- Lựa chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm phù hợp
Với gửi tiết kiệm ngân hàng, thông thường gửi dài sẽ có lãi cao hơn gửi ngắn. Nếu có tiền gửi ngân hàng thì phương án gửi với kỳ hạn dài là tối ưu nhất. Hiện tại, mức lãi suất của các ngân hàng ở kỳ hạn dài thường từ 8 - 9%/năm với kỳ hạn 12 và 36 tháng trở lên.
Tuy nhiên, khi rút tiền trước hạn, khoản tiền gửi sẽ bị tính lãi theo lãi suất không kỳ hạn ở mức thấp hoặc thậm chí không có lãi. Vì thế, nếu không có nhiều tiền nhàn rỗi và chưa biết khi nào cần dùng đến đột xuất thì gửi tiết kiệm ngắn hạn lại là phương án phù hợp hơn.
Ngoài ra, người gửi tiền cũng có thể tận dụng cả 02 loại kỳ hạn để áp dụng với khoản tiền của mình. Gửi một phần khoản tiền với kỳ hạn dài và phần còn lại với kỳ hạn ngắn sẽ giúp người gửi tiền yên tâm nếu có phát sinh chi tiêu ngoài dự kiến.
- Quan tâm đến ngày đáo hạn và tất toán sổ tiết kiệm
Mỗi khoản tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng đều sẽ có ngày đáo hạn và được quy định rõ ràng. Đến ngày này khách hàng có thể thực hiện tất toán và nhận lại toàn bộ số tiền gốc đã gửi và lãi suất.
Vì vậy, nên có kế hoạch chi tiêu cụ thể và rõ ràng để không phải rút tiền trước kỳ hạn, dẫn đến mất lợi nhuận.
Lưu ý về lãi suất tiết kiệm ngân hàng
Hiện nay, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam được áp dụng theo quy định tại Quyết định số 1812/QĐ-NHNN. Trong đó:
- Lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng là 1,0%/năm;
- Lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 01 tháng đến dưới 06 tháng là 6,0%/năm;
- Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 6,5%/năm.
Công thức tính lãi suất tiết kiệm:
Biết cách tính lãi suất tiết kiệm sẽ giúp người gửi tiền tính được mình nhận được bao nhiêu tiền lãi:
Số tiền lãi = Số tiền gửi x Lãi suất (%/năm) x Số ngày thực gửi/365
Ví dụ: Gửi 100 triệu với lãi suất 6,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng từ ngày 20/11/2022 đến 20/11/2023, số tiền lãi nhận được là:
Số tiền lãi = 100 triệu x 6.5% / 365 = 6,5 triệu (đồng)
Hà An (t/h)Bạn đang xem bài viết Những mẹo cần biết khi gửi tiết kiệm ngắn ngày để dù ít vẫn hưởng lãi suất cao tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].