Không có gì ngoài cả tấm lòng
Ngược thời gian 11 năm trước, vào năm 2006 qua báo chí ni sư Thích Nữ Như Hiền trụ trì chùa Linh Sơn (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng một người bạn biết được có một bệnh nhân người dân tộc Thái bị ung thư lưỡi. Lưỡi của người ấy lúc đó dài đến hơn 20 phân, cân lên còn được 2,3 cân.
Ở thời ấy, bị ung thư cũng giống như nhận một án tử treo lơ lửng trên đầu bệnh nhân. Biết được hoàn cảnh người bệnh khó khăn, sư thầy biết vậy tới bệnh viện K thăm và tặng tiền để người nhà chuẩn bị đưa về lo hậu sự.
Đến khi tới nơi thì nhiều người khổ quá cũng xin tiền thầy. Thương người, thầy cho hết đến nỗi không còn tiền để đi xe về nữa. Nhìn cảnh người dân nhiều khi nhịn đói dành tiền mua thuốc, ni sư liền nảy ra ý tưởng nấu những suất ăn miễn phí cho bệnh nhân ung thư.
Ban đầu, thầy bỏ tiền túi ra nấu 50 suất cháo để phát cho bệnh nhân. Những bát cháo đầu tiên đã đến tay của những người nghèo khó với tất cả sự xúc động, ấm áp tình người. Từ đó, người nọ mách người kia, các nhà hảo tâm tìm đến ủng hộ công việc từ thiện của thầy.
Thầy kể: “Ở đây ai công đức gì là chúng tôi nhận hết. Từ rau, củ, quả cho đến tiền mặt. Có gia đình mỗi tháng đóng góp 10 triệu là nhiều nhất. Hôm rồi có bà cụ hôm trước mang đến 3 lạng gạo, hôm thì bà mang đến 1 cái bắp cải. Người ta khó khăn nhưng vẫn nhịn ăn một phần để đem đi đóng góp cho những bệnh nhân ngoài kia”.
Bác Phương (62 tuổi), người đã làm công việc từ thiện này từ những năm đầu tiên chia sẻ: “Tôi đi phát cơm ở bệnh viện mới thấy có nhiều người khổ quá. Có bệnh nhân không ăn uống được thì chia ra cho người nhà của họ ăn. Có người thì bị u bưới to quá chặn hết cổ họng, vợ lếch thếch đi theo cứ nhìn những suất cơm nhưng không dám xin vì không có phiếu nhưng tôi vẫn bảo họ chờ đến khi phát hết những suất có phiếu vì lúc nào chúng tôi cũng nấu thêm mấy chục suất dư ra”.
Người góp công, người góp của đến hôm nay mỗi ngày có 500 suất cơm, 700 suất cháo được chở đi khắp cả 3 cơ sở của bệnh viện K dành tặng những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.
Vì những người đang chờ suất cháo ở đâu đó
Chị Trần Thị Tuyết (Nam Định), đang điều trị hoá chất ở bệnh viện K cơ sở 3 ở Tân Triều nhận xét: “Các món ăn đủ chất, tốt cho sức khoẻ của người bệnh chúng tôi. Mà những suất ăn này đỡ cho chúng tôi nhiều lắm chứ! Bao nhiêu chi phí mua thuốc thang, viện phí; đỡ được tiền ăn là đỡ được một khoản rồi”.
Anh Liều Quang Phà (Điện Biên) đang có con gái điều trị u xơ ở đây cũng cảm kích: “Tô cháo không phải bỏ tiền mua giúp được tôi một phần rồi”.
Để mang suất ăn đến cho bệnh nhân nghèo, các cơ sở từ thiện đều phải xin phép bệnh viện, thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bệnh viện còn yêu cầu phải lưu lại một suất trong tủ lạnh một thời gian để đề phòng những vấn đề phát sinh đối với bệnh nhân.
Sư thầy Thích Nữ Như Hiền nhớ lại: “Có người sau này được ra viện lại quay lại chùa để cảm ơn. Có người không đến được thì viết thư, làm thơ tặng tôi”.
11 năm, ni sư Thích Nữ Như Hiền vẫn giữ nguyên tâm niệm: “Sức mình làm được đến đâu thì mình làm đến đấy, mình cho ai được tí nào người ta đỡ khổ thì mình làm”.
Dưới đây là ghi nhận của Phóng viên Gia đình mới:
Kiều DươngBạn đang xem bài viết Giữ lửa nồi cháo 10 năm vì đâu đó vẫn có người nhịn ăn để tiền chữa bệnh tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].