Lương sinh viên mới ra trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như môi trường làm việc (cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân...), ngành nghề, bằng cấp hay tiêu chí đánh giá của công ty...
Tuy nhiên, từ năm 2020, cả mức lương cơ sở (dành cho những cán bộ cơ quan nhà nước) và mức lương tối thiểu (dành cho lao động tại các doanh nghiệp có hợp đồng lao động, hoạt động theo Luật doanh nghiệp) đều có thể có sự điều chỉnh nên so với năm 2019, mức lương của sinh viên mới ra trường sẽ cũng thay đổi.
Cụ thể:
Đối với sinh viên ra trường làm việc trong các cơ quan nhà nước:
Thông tư 04/2019/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở cho đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, mức lương sinh viên mới ra trường sẽ được tính theo công thức:
Lương cơ sở = Mức lương cơ sở x hệ số lương hiện hưởng.
Trong đó: Lương cơ sở hiện nay đang là 1.490.000 đồng. Chính phủ hiện đang đề xuất tăng mức lương cơ sở năm 2020 là 1.600.000 đồng.
Hệ số lương: Tùy theo cấp học mà tương ứng với hệ số lương.
+ Tốt nghiệp đại học: Hệ số lương khởi điểm 2,34.
+Tốt nghiệp cao đẳng: Hệ số lương khởi điểm 2,1.
+Tốt nghiệp trung cấp: Hệ số lương khởi điểm 1,86.
Bên cạnh đó, tùy theo từng đơn vị sẽ có những khoản phụ cấp tạo nên tổng lương cho cán bộ.
Thông thường, khi sinh viên mới ra trường làm việc trong các đơn vị nhà nước trên thì sẽ có 1 năm hưởng 85% lương theo hệ số, sau đó sẽ được hưởng 100%.
Tuy nhiên, theo lộ trình cải cách tiền lương được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 27, năm 2020 là năm cuối cùng mức lương cơ sở còn tồn tại. Từ năm 2021, mức lương cơ sở và hệ số lương sẽ được bãi bỏ, thay vào đó là 05 bảng lương mới với cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với sinh viên ra trường làm việc trong các công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp:
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 157/2018/NĐ-CP mà các doanh nghiệp đang áp dụng là:
- Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng;
- Vùng II là 3.710.000 đồng/tháng;
- Vùng III là 3.250.000 đồng/tháng;
- Vùng IV là 2.920.000 đồng/tháng
Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh xã hội đang chờ Chính phủ thông qua dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp theo hợp đồng lao động. Theo Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng 5,5%.
Cụ thể:
- Vùng I: 4.420.000 đồng/tháng
- Vùng II: 3.920.000 đồng/tháng
- Vùng III: 3.430.000 đồng/tháng
- Vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng
Với người đã qua học nghề, đào tạo nghề (người có bằng đại học; người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp) thì mức lương tối thiểu phải cao hơn ít nhất 7%.
Nếu được Chính phủ thông qua, Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020, thay thế Nghị định số 157/2018/NĐ-CP.
Bạn cũng cần lưu ý, trên đây chỉ là mức lương tối thiểu, mức lương thực tế mà bạn được trả có thể cao hơn, tùy vào trình độ, khả năng làm việc và kinh nghiệm mà bạn có. Điều này phụ thuộc vào sự thỏa thuận của bạn và người sử dụng lao động.
Riêng trong thời gian thử việc, sinh viên mới ra trường được nhận ít nhất 85% mức lương theo thỏa thuận.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Cách tính lương sinh viên mới ra trường từ năm 2020 tại chuyên mục Chính sách của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].