Công dụng y học của giác hơi
Theo Y học cổ truyền, giác hơi có tác dụng điều chỉnh âm dương, sơ kinh thông lạc, phù chính khử tà, hoạt huyết khử ứ, giải trừ đau nhức. Dưới đây là một số công dụng chính của phương pháp này:
Giảm đau: Cơ chế tạo áp suất âm và tăng cường lưu thông máu có thể giúp giảm đau do sưng, căng cơ hoặc các vấn đề mạch máu.
Giảm viêm: Phương pháp giác hơi có thể giảm viêm ở các điểm tác dụng của cốc giác hơi, giúp cải thiện tình trạng sưng đau và đồng thời kích thích quá trình phục hồi.
Giải độc: Phương pháp giác hơi cũng có thể giúp kích thích cơ thể loại bỏ các chất độc hại thông qua quá trình tuần hoàn máu và chất bã nhờn.
Phòng và điều trị bệnh lý: Giác hơi thường được sử dụng như một phương pháp truyền thống để điều trị và phòng ngừa một số bệnh lý như cảm lạnh, đau nhức cơ, đau lưng và các vấn đề hô hấp.
Kích thích tuần hoàn máu: Việc tạo áp suất của phương pháp giác hơi giúp kích thích tuần hoàn máu, cung cấp dưỡng chất và oxy cho các tế bào, giúp nâng cao sức khỏe.
Thư giãn cơ bắp: Các cốc giác hơi có thể đặt tại các điểm cần điều trị để giảm căng cơ, giãn cơ tạo cảm giác thư giãn.
Hỗ trợ hệ thống miễn dịch: Có những nghiên cứu cho thấy rằng giác hơi có thể kích thích hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể đối phó với vi khuẩn, virus.
Tăng cường sự linh hoạt của cơ và xương: Bằng cách giúp cơ bắp thư giãn và kích thích tuần hoàn máu, giác hơi có thể hỗ trợ sự linh hoạt của cơ bắp và xương.
Giác hơi được thực hiện như thế nào?
Khi giác hơi, người bệnh sẽ được nằm hoặc ngồi dựa theo vị trí cần thực hiện giác hơi sao cho quá trình thực hiện được diễn ra dễ dàng và hiệu quả.
Sau đó cốc giác hơi sẽ được người thực hiện hơ nóng bằng ngọn lửa từ bông, vải có thấm cồn.
Tiếp theo cốc sẽ được đặt lên da người bệnh một cách nhanh chóng, ngay khi miệng cốc được đặt khít lên bề mặt da sẽ tạo ra áp suất âm trong cốc và hút lấy da người bệnh.
Cuối cùng, cốc sẽ được người thực hiện lấy ra bằng kỹ thuật an toàn mà không làm tổn thương da.
Các thao tác được lặp lại nhiều lần tại vị trí được trị liệu.
Chú ý: Mặc ấm sau khi giác, tránh gió lạnh, không tắm trong vòng 2 giờ sau giác. Quá trình thực hiện giác hơi cần sự chuyên nghiệp và kiến thức vững vàng về kỹ thuật để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Những trường hợp chỉ định và chống chỉ định thực hiện giác hơi
Các trường hợp nên thực hiện giác hơi:
Theo Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được chỉ định thực hiện giác hơi trong các trường hợp sau:
- Cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn: Giác hơi có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng như đau rát họng, đau ngực, khó thở và tăng khả năng thông thoáng đường hô hấp.
- Đau nhức xương khớp: Giác hơi có thể hỗ trợ giảm đau và sưng do việc kích thích tuần hoàn máu, không chỉ vậy giác hơi còn có thể giúp cải thiện sự linh hoạt và giảm căng cơ.
- Đau – viêm dạ dày: Giác hơi có thể giảm đau, viêm trong dạ dày, giảm cảm giác khó chịu, ợ hơi, ợ chua, nôn do bệnh dạ dày.
- Cảm – ho kéo dài: Giác hơi có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng sức đề kháng, làm giảm kích thích đường hô hấp, giảm ho giúp người bệnh dễ chịu trong quá trình điều trị.
Các trường hợp không được thực hiện giác hơi:
- Người bệnh có các tổn thương da trên vùng giác hơi
- Người bệnh sốt cao hoặc co giật
- Bệnh nhân rối loạn đông máu, đang bị xuất huyết, đang sử dụng thuốc chống đông máu,…
- Bệnh nhân phù toàn thân
- Bệnh nhân ung thư di căn
- Bệnh nhân tiền sử có huyết khối tĩnh mạch sâu
- Bệnh nhân có lớp da mỏng do tuổi tác hoặc sử dụng corticoid
- Trẻ em dưới 4 tuổi
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Giác hơi tốt nhưng 8 trường hợp sau không được giác hơi tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].