Báo Điện tử Gia đình Mới

Gãy tay ở trẻ em – Ứng dụng kỹ thuật mới giúp can thiệp tối thiểu, hiệu quả tối đa

Thay vì phải mổ mở khi bị gãy tay, nhiều trẻ đã được can thiệp tối thiểu bằng phương pháp nắn chỉnh kín và xuyên đinh dưới màn tăng sáng tại BV ĐK Xanh Pôn. Phương pháp này đem lại hiệu quả điều trị tích cực mà lại ít gây đau đớn cho trẻ.

Hiện nay, tại nhiều cơ sở y tế, phẫu thuật mổ mở vẫn là kỹ thuật kinh điển đang được áp dụng cho các bệnh nhi gãy trên lồi cầu xương cánh tay. Đây là phương pháp mổ nặng nề vì sẽ để lại sẹo mổ khá to, trẻ có nguy cơ nhiễm trùng và sẽ cần thêm 1 lần phẫu thuật nữa để tháo phương tiện kết hợp xương.

Tại BV ĐK Xanh Pôn, phương pháp điều trị gãy xương mới đang được áp dụng giúp nhiều trường hợp gãy xương ở trẻ em đã được can thiệp điều trị tối thiểu mà hiệu quả đạt được tối đa.

Điển hình như trường hợp bé V.D. (5 tuổi, ở Hà Nội) bị gãy tay trong khi đi học ở trường mầm non. Thay vì phải mổ mở để lộ vùng xương gãy sau đó nắn lại xương và cố định bằng nẹp vít, thì bé D. đã được các bác sĩ BV ĐK Xanh Pôn can thiệp tối thiểu mà không phải phẫu thuật.

Sau khi được can thiệp cố định xương nhờ máy tăng sáng, bé D. đã có thể tháo nẹp vít và tập vận động sau 4 tuần, bác sĩ kiểm tra thì xương đã liền.

Phương pháp can thiệp tối thiểu dưới màn tăng sáng điều trị gãy tay ở trẻ em đem lại hiệu quả cao, ít biến chứng, tính thẩm mỹ cao

Phương pháp can thiệp tối thiểu dưới màn tăng sáng điều trị gãy tay ở trẻ em đem lại hiệu quả cao, ít biến chứng, tính thẩm mỹ cao

Theo bác sĩ của BV ĐK Xanh Pôn, trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 12 tuổi thường hay gặp tai nạn gãy trên lồi cầu xương cánh tay. Đây là một trong những loại gãy đầu dưới xương cánh tay thường gặp, xảy ra sau chấn thương do té ngã chống tay.

Các trường hợp gãy tay nhẹ (gãy không di lệch hoặc di lệch tối thiểu) sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn bằng bó bột. Với những trường hợp gãy nặng, với di lệch xoay/di lệch đủ lớn sẽ cần phẫu thuật để xương liền ở vị trí tốt, hạn chế các nguy cơ và biến chứng liên quan tới lệch trục sau khi xương liền, gây hạn chế vận động và chức năng khớp khuỷu ở trẻ.

Tuy nhiên, thay vì phải phẫu thuật để tiến hành nẹp vít, hiện nay nhiều trường hợp gãy tay ở trẻ em đã được can thiệp điều trị tối thiểu mà không cần phẫu thuật tại BV ĐK Xanh Pôn bằng kỹ thuật mới. Đó là phương pháp nắn chỉnh kín và xuyên đinh dưới màn tăng sáng, giúp bệnh nhi ít đau đớn và nhanh phục hồi vận động.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Đức Phong – Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV ĐK Xanh Pôn, khi gặp trường hợp bệnh nhi gãy xương thì bác sĩ thường đặt nẹp bột tạm thời cho bệnh nhân đỡ đau, sau đó bệnh nhân được lên lịch phẫu thuật.

Khi phẫu thuật bác sĩ sẽ dùng một máy tăng sáng để mổ giống như mổ nội soi cho bệnh nhân. Với phương pháp phẫu thuật mới này, bệnh nhân sẽ không phải chịu một vết rạch da dài mà chỉ cần một lỗ nhỏ 0,5cm để đưa đinh vít vào.

Như vậy, thay vì phải mổ mở để bộc lộ vùng xương gãy thì nhờ sự hỗ trợ của máy tăng sáng, vùng xương gãy sẽ hiện lên màn hình, các bác sĩ có thể quan sát rõ và thực hiện nắn ngoài da để cố định xương.

Phương pháp này là phẫu thuật xương kín nên đảm bảo vô khuẩn tốt, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng sau phẫu thuật. Xương gãy sẽ được nắn chỉnh thẳng, cố định vững chắc bằng các dụng cụ nối xương qua màn hình tăng sáng, nhờ vậy hạn chế tàn phá các cơ, mạch máu và tổ chức lành, màng xương không bị phá bỏ giúp xương liền nhanh. Hơn nữa, vết can thiệp rất nhỏ nên đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, các xương đều có phần màng xương - tổ chức giúp tái tạo xương, nếu tiến hành mổ mở sẽ làm tổn thương màng xương khiến quá trình liền xương diễn ra rất lâu.

Nhưng với phương pháp nắn chỉnh kín và xuyên đinh dưới màn tăng sáng, quá trình nắn chỉnh và nẹp kín qua da sẽ không làm tổn thương màng xương của trẻ, giúp trẻ nhanh liền xương và có thể vận động trở lại sau khoảng 3 tuần điều trị.

Bằng việc ứng dụng các kỹ thuật mới hiện nay, BV ĐK Xanh Pôn đã thực hiện hầu hết các ca bệnh gãy trên lồi cầu xương cánh tay bằng phương pháp nắn chỉnh kín và xuyên đinh dưới màn tăng sáng. Đinh sẽ được để ngoài da và tiểu phẫu rút đinh sau khoảng 4 tuần khi xương liền qua kiểm tra dưới X-quang, không cần mổ phẫu thuật lấy đinh ra như các phương pháp mổ mở trước đây. Với kỹ thuật này, trẻ chỉ nằm viện khoảng 1 đêm sau mổ và ra viện, giúp trẻ cảm thấy nhẹ nhàng, ít đau đớn, vết mổ không để lại sẹo và đặc biệt là không có bất kỳ cuộc phẫu thuật mổ lớn nào.

Bác sĩ Phong đánh giá, phương pháp can thiệp tối thiểu dưới màn tăng sáng điều trị gãy xương ở trẻ em là phương pháp phẫu thuật an toàn, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn, đạt kết quả tốt về chức năng và thẩm mỹ cho trẻ.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO