Gặp một Hà Nội rất quen ở Thành phố Hồ Chí Minh...

Nhiều năm xa Thủ đô, chuyển vào TP.HCM sinh sống, nhưng lòng tôi vẫn nhớ mãi những kí ức xưa ở Thủ đô. Và tôi đã vô cùng xúc động khi gặp lại Hà Nội rất đỗi thân quen ở "Những ngày Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh"...

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội). Cuộc sống từ thơ bé cho tới khi trở thành thiếu nữ tuổi đôi mươi, tôi gắn bó với những khu tập thể cũ, trong những ngách hẹp của phố Ngọc Khánh.

Với những đứa con Hà Nội thế hệ 6X, 7X, 8X như chúng tôi, khu tập thể là cả một ký ức tuổi thơ êm đềm và ngập tràn kỷ niệm. Ở nơi ấy, chúng tôi có cuộc sống rất giản dị, vui vẻ với hàng xóm láng giềng cùng chúng bạn trong khu tập thể. Mặc cho cuộc sống của mỗi gia đình lúc bấy giờ có rất nhiều khó khăn, chật vật, bọn trẻ chúng tôi vẫn thật vô tư, hạnh phúc trong khu ở của mình. Hà Nội đơn sơ khi đó với những đứa trẻ nghèo như tôi là những mái phố thâm nâu, bóng dáng cây cầu Long Biên lịch sử hay Tháp Rùa trầm mặc rêu phong, tiếng còi tàu ga Hàng Cỏ và những ngày được bố chở lên Lăng Bác...

Tôi nhớ tới da diết ngôi nhà Hà Nội xưa, giản dị và ấm áp, gần gũi.

Tôi nhớ tới da diết ngôi nhà Hà Nội xưa, giản dị và ấm áp, gần gũi.

Nhưng cuộc sống có nhiều thay đổi, và đổi thay lớn nhất là gia đình tôi chuyển vào TP.HCM sinh sống từ năm 2000. Hơn 20 năm trôi qua, tôi chỉ có dịp trở ra Hà Nội một vài lần, phần vì xa xôi, phần vì những bộn bề cuộc sống bận rộn. Chỉ biết rằng, chưa một ngày tôi nguôi nhớ về Hà Nội, về màu ố vàng của những bức tường xưa, của những lối cầu thang hẹp đầy bóng tối, của tiếng bầy trẻ reo vang trên những lối cầu thang và sân chơi, của mùi bếp dầu, của những người già trò chuyện trên ban công vào những đêm mùa hạ... Nhiều khi nhớ tới nao lòng, buồn mênh mang...

"Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" đặc sắc, công phu.

Thì thật tuyệt vời hôm nay đây, không cần một tấm vé cho những chuyến xe, chuyến tàu, giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ của TP.HCM, tôi được gặp lại Hà Nội thân quen với chương trình "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh".

"Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh" là chương trình kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tôi có mặt từ sớm tới khi chương trình khai mạc kết thúc - một chương trình khai mạc công phu và đặc sắc. Phóng sự “Hà Nội trong dòng chảy 70 năm” thể hiện rõ nét quãng đường đầy vinh quang, kiêu hãnh và tự hào của Hà Nội kể từ ngày 10/10/1954 đến nay. Tiếp đó là những khúc ca về Hà Nội, về tình yêu Hà Nội da diết, sâu lắng như “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”… Chưa khi nào hình ảnh Thủ đô Hà Nội kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc; nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình lại được thể hiện tuyệt vời đến thế.

Cầu Long Biên hiện diện giữa thành phố Hồ Chí Minh...

Cầu Long Biên hiện diện giữa thành phố Hồ Chí Minh...

Tôi đã gác hết mọi công việc trong 3 ngày từ 23 - 25/8 để tới ngắm nghía từng biểu tượng từng rất thân quen của Hà Nội được biểu trưng trên phố Nguyễn Huệ. Chiếc máy ảnh ngập tràn những bức hình về Hà Nội mà tôi vẫn cảm thấy như chưa đủ. 

Tái hiện góc trụ sở Báo Hà Nội Mới...

Tái hiện góc trụ sở Báo Hà Nội Mới...

Tôi bồi hồi, xúc động khi đứng ngắm vẻ cổ kính của cầu Thê Húc, của mái chợ Đồng Xuân, một Ô Quan Chưởng, một làng nón Chuông, một góc phố Phùng Hưng, một Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một Hoàng Thành Thăng Long... dù chỉ là tái hiện thôi mà sao cảm xúc đến lạ kỳ. Tôi hân hoan gặp lại ký ức xưa qua những món ăn đậm chất Hà thành với xôi Phú Thượng ngon dẻo thơm mà ai ăn một lần đều nhớ mãi, với bún thang thanh tao như chính bản tính nhẹ nhàng lịch lãm của người Tràng An... 

Chợ Đồng Xuân...

Chợ Đồng Xuân...

Tôi thầm cảm ơn biết bao lãnh đạo của hai Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã tạo nên chương trình "Những ngày Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh" thật đặc sắc với nhiều hoạt động rất ý nghĩa. Ý nghĩa to lớn nhất của sự kiện này chính là sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa 2 Thành phố lớn, là nhịp cầu nối liền hai Thành phố, nơi mỗi người trong chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc về tình đồng bào, tình người và tình đất nước. Chương trình cũng tuyên truyền quảng bá những nét đặc trưng văn hóa, di sản tiêu biểu và độc đáo như Hoàng Thành Thăng Long, các làng nghề, sản phẩm nông nghiệp, thế mạnh thể thao… qua đó làm sâu sắc hơn hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến với những ai chưa từng đến thăm và hiểu về Hà Nội. Còn với những người con Hà Nội xa quê như tôi, "Những ngày Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh" là cơ hội được sống lại với những ký ức đẹp đẽ, thân thương của Thủ đô.

Ký ức đẹp đẽ trở về qua từng món ăn thân thuộc...

Ký ức đẹp đẽ trở về qua từng món ăn thân thuộc...

Chương trình "Những ngày Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh" đã bế mạc nhưng dư âm chắc sẽ còn đọng mãi. Trở về nhà, tôi lại mơ thấy những không gian quá đỗi thân thương nơi khu tập thể cũ ngày xưa, thấy cầu thang bộ lấp lánh khe sáng xuyên qua từ những bức tường hoa bê tông, những dãy hành lang chung, những khoảng sân rợp bóng cây, những ghế đá, những góc đường... cùng với những căn hộ bé xíu mà thật ấm áp. Tôi cũng thấy cả một khung cửa sổ chữ nhật với những chấn song gỗ màu nâu cũ kỹ nằm trên gác 3 của khu tập thể ngày nào...

Cổng vào Hoàng thành Thăng Long cổ kính...

Cổng vào Hoàng thành Thăng Long cổ kính...

V.Linh

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính