Emma Gibson được thụ tinh năm 1992 nhưng phải đến ngày 25/11/2017, em mới chào đời tại Tennessee.
Được biết, Emma là phôi thai đông lạnh được hiến cho Trung tâm Hiến Phôi thai Quốc gia (NEDC), một cơ sở chuyên hiến - nhận phôi thai.
Theo Giám đốc của bệnh viện, TS Jeffrey Keenan, đồng thời là người trực tiếp chuyển phôi thai, có vẻ em là phôi thai được đông lạnh lâu nhất trong lịch sử.
Điều thú vị là, bé còn được thụ tinh sớm hơn mẹ em 1 năm 6 tháng (người mẹ năm nay 24 tuổi).
Các chuyên gia cho biết, thời gian đông lạnh phôi thai không ảnh hưởng gì đến việc có con.
TS David Adamson, CEO của Arc Fertility ở San Jose, California, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ về sinh sản cho biết: ‘Nhìn chung, các em bé thụ tinh nhân tạo đều khỏe mạnh. Phôi thai đông lạnh cũng không kém phôi thai tươi là mấy’.
‘Các cá nhân và cặp đôi thường chọn tinh trùng, trứng hoặc phôi thai có những đặc điểm giống mình về chiều cao, cân nặng, màu tóc, màu mắt, tạng người, chủng tộc, tôn giáo, học thức, tài năng âm nhạc/toán học/khoa học, v.v.’ – ông chia sẻ.
Rủi ro nằm ở lúc lấy phôi thai ra ngoài. Nếu phôi thai sống sót thì người phụ nữ sẽ mang bầu một cách hoàn toàn bình thường.
Trong trường hợp của nhà Gibson, TS Keenan đã chuyển 2 phôi thai vào cơ thể người mẹ nhưng chỉ có một em bé được thụ tinh – điều này khá phổ biến vì không phải phôi thai nào cũng được chuyển thành công.
Mẹ của bé Emma, chị Tina Gibson xúc động nói: ‘Mọi người cho rằng đây là kết quả của khoa học nhưng với tôi, đó là một món quà của Thượng đế’.
Còn TS Keenan thì hy vọng, tin tức về sự ra đời của Emma sẽ khuyến khích nhiều người hiến phôi thai hơn.
TS Adamson đồng tình: ‘Thật tuyệt vời khi một phôi thai có thể mang lại nhiều niềm hạnh phúc đến vậy cho ai đó.
Còn tuyệt vời hơn khi phôi thai này đã được đông lạnh từ 25 năm trước. Đây là một điều tốt cần nhân rộng và tôi không thấy có bất kỳ bất cập nào đối với xã hội’.
Hiện không có số liệu chính xác về những phôi thai đông lạnh ở Mỹ nhưng con số ước tính có thể lên đến một triệu.
Nguyên nhân là do những người đông lạnh phôi thai để chữa vô sinh thường có nhiều phôi thai hơn mức cần thiết.
Họ phải quyết định hủy bỏ, mất phí bảo quản phôi thai để sử dụng sau này hoặc hiến cho các nghiên cứu khoa học hay trung tâm y tế như NEDC.
Được biết, rất nhiều bậc cha mẹ hiếm muộn đã có con nhờ chuyển phôi thai nhân tạo, với tỷ lệ thành công hơn 50% - thậm chí cao hơn thụ tinh nhân tạo.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra từ phôi thai đông lạnh 25 năm tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].