Báo Điện tử Gia đình Mới

Du lịch Hà Nội chuyển đổi số: Cần đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững

Chuyển đổi số ngành du lịch Hà Nội đang được chú trọng và đã được triển khai ở nhiều doanh nghiệp, nhiều điểm đến. Tuy nhiên theo các chuyên gia vẫn tiếp tục cần các giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững.

Chuyển đổi số ngành du lịch Hà Nội vẫn đơn lẻ

Nói về thực trạng số hóa trong ngành du lịch, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi hội nhập quốc tế, nhất là đối với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn để phục vụ chính công tác quản lý của họ.

“Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai người ấy làm và chưa có sự thống nhất”, ông Phòng nói.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô vẫn có một số hạn chế trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng Công nghệ thông tin.

Hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị du lịch còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ chưa có sự thống nhất, đồng bộ.

Hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị du lịch còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ chưa có sự thống nhất, đồng bộ.

Hoạt động chuyển đổi số của các đơn vị còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ chưa có sự thống nhất, đồng bộ; Chưa xây dựng được hệ sinh thái, phần mềm chung, hệ thống dữ liệu lớn áp dụng xuyên suốt, liên thông giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị doanh nghiệp du lịch; Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm hiểu và lựa chọn công nghệ ứng dụng cho sản phẩm của đơn vị. Công tác chuyển đổi số cũng chưa thực sự đồng bộ giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp; nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp du lịch về tầm quan trọng của chuyển đổi số còn chưa cao.

Thực tế cho thấy, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không đơn giản, bởi sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan… Theo các doanh nghiệp, việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp, quy trình kinh doanh. Và sự thay đổi này không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng tâm thế, đủ năng lực thực hiện. Do đó, các cơ quan quản lý cần có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp có đủ thời gian tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ.

Cần giải pháp đồng bộ để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá ngành du lịch Hà Nội đã bước đầu thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. Tuy nhiên Sở Du lịch Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong quản lý du lịch và ngành du lịch Thủ đô; ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; hệ thống thông tin số về thị trường du lịch Hà Nội.

Chuyển đổi số phải có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", chồng chéo, lãng phí, và nhất là dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống". Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn.

Cần giải pháp đồng bộ để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch Hà Nội.

Cần giải pháp đồng bộ để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch Hà Nội.

Bà Bùi Cẩm Phượng, giảng viên khoa Du lịch, trường Đại học Thăng Long cho rằng, để chuyển đổi số trong ngành du lịch Hà Nội hiệu quả cần thực hiện các giải pháp sau:

Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch Thủ đô. Đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các chương trình đào tạo về du lịch, các chương trình, phóng sự trên các kênh truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hệ thống các trang mạng điện tử, chương trình FM Du lịch…

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó, tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ, lao động hoạt động du lịch trên địa bàn; cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tài chính, nhân lực cho các kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của đơn vị điểm đến du lịch trên địa bàn Thành phố.

Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các đề án lớn như: Đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Du lịch tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung của thành phố, xây dựng Bản đồ số du lịch, ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. Chủ động xây dựng các ẩn phẩm xúc tiến điện tử phù hợp với thị hiếu của từng khu vực trọng điểm, tổ chức các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch điện tử, kỹ thuật số. Nghiên cứu sử dụng tư vấn chuyên nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu, dự báo, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, để phát triển chuyển đổi số trong du lịch có hiệu quả, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO