Chuyển đổi số hay là dừng lại?
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19.
Nếu những năm trước, câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính thì nay đại dịch Covid-19 buộc tất cả phải lựa chọn: chuyển đổi số hay là dừng lại. Đặc biệt, khi hầu hết mọi thói quen và tâm lý tiêu dùng đã thay đổi và được thực hiện chủ yếu trên nền tảng số cũng là lúc các doanh nghiệp du lịch phải bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên môi trường số từ tiếp cận, đặt vé, đặt tour, đặt phòng…
Vì thế, nếu không cạnh tranh chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ thì doanh nghiệp rất khó để phát triển. Và không chỉ có các doanh nghiệp du lịch, lữ hành thực hiện chuyển đổi số mà bản thân các cơ quan quản lý về du lịch cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Chuyển đổi số ngành du lịch cũng chính là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng. Chuyển đổi số chắc chắn là yếu tố bắt buộc đối với các doanh nghiệp du lịch Thủ đô muốn phát triển mạnh giữa thị trường du lịch cạnh tranh ngày nay.
Du lịch Hà Nội đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số
Theo Sở Du lịch Hà Nội, 3 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch nói chung và du lịch tại Thủ đô nói riêng. Lượng khách giảm dẫn tới mức độ tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng gây ra khó khăn, thách thức rất lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Ngay khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, ngành du lịch Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp để phục hồi và tăng trưởng. Trong đó, ngành xác định chuyển đổi số chính là chìa khóa quan trọng, là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.
"Chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Trên nền tảng những công nghệ mới, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có thể đem đến những trải nghiệm thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho khách du lịch thông qua các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR code, app du lịch...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng tương tác để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu qua đó có thể giới thiệu, quảng bá các sản phẩm phù hợp" - bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội xác định.
Từ định hướng đó, Sở Du lịch Hà Nội đã tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, cũng như triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ của ngành du lịch, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tăng tiện ích cho người dân và khách du lịch.
Cụ thể, tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của Thành phố; bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn), vận hành và thường xuyên nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; chia sẻ dữ liệu cùng các đơn vị công nghệ phát triển các ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch
Triển khai số hóa các điểm đến du lịch bằng công nghệ 360, FLYMCAM, 3D nhằm mang đến những hình ảnh, thông tin đặc sắc, chọn lọc về các khu, điểm du lịch đến với du khách. Đến thời điểm hiện tại, đã có 27 đơn vị điểm đến trên địa bàn Thành phố Hà Nội triển khai số hóa dữ liệu và hình ảnh
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến… Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
'Cuộc đua' của các doanh nghiệp du lịch Hà Nội
Nhận thức về chuyển đổi số trong ngành du lịch đang có sự thay đổi rõ nét. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tích cực triển khai chuyển đổi số dưới nhiều hình thức để tăng cường năng lực cạnh tranh khi trở lại đường đua du lịch.
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ mới như 360, 3D, FLYCAM, Mapping… trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới, không chạm.
Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Du lịch VietSence cho biết, thời gian qua công ty đã tích hợp được dữ liệu khách hàng rất lớn, phân loại khách hàng tiềm năng và có phần mềm chăm sóc khách hàng tự động. Nếu như trước đây với các chiến dịch du lịch vào dịp lễ tết hay chiến dịch hè phải gọi điện kết nối đến từng khách hàng để giới thiệu thì nay công ty đã có hệ thống phần mềm gửi thông điệp một cách tự động.
Còn theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch hội đồng tư vấn du lịch TAB, khi các doanh nghiệp du lịch sử dụng nền tảng công nghệ tốt thì khách hàng sẽ được tiếp cận những dịch vụ du lịch một cách liên tục và nhanh hơn rất nhiều.
Tại các điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long thời gian qua đã tổ chức các triển lãm, trưng bày trực tuyến để thu hút khách; Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thì ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify; Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Hoàng Thành Thăng Long hiện nay đã áp dụng hệ thống phần mềm QR code, cửa soát vé tự động, phần mềm quản lý khách giúp nâng cao năng lực quản trị của đơn vị.
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã thực hiện số hóa các tài nguyên hiện có. Việc xây dựng website, hình ảnh, âm thanh… được ghi lại dưới định dạng mp4, jpg, tham quan trực tuyến, công nghệ thực tế ảo, đồ họa 3D… đã mang lại những trải nghiệm chân thật nhất cho du khách thời gian qua.
V.LinhBạn đang xem bài viết Du lịch Hà Nội chuyển đổi số: 'Cuộc đua' của các doanh nghiệp du lịch tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].