Mới đây nhất, ở Phú Quốc có trường hợp 2 du khách khách người Nga cho rằng họ bị người khác hành hung, cướp tài sản, dẫn đến không có tiền điều trị, ăn uống và phải đi xin ăn trên phố.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu 2 người khách ngoại quốc này không dùng quá nhiều kịch bản để xin tiền tại một số tỉnh thành ở Việt Nam. Trước đó, ở Hà Nội, cặp đôi này đã bị bóc mẽ xin tiền với mục đích không tốt.
Họ thường chia sẻ mình bị móc túi, mất sạch giấy tờ và cần xin tiền người qua đường. Tuy nhiên, khi được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, cả 2 đều từ chối.
Hay như một trường hợp khác, tại Sa Pa xuất hiện sự việc hai vị khách nước ngoài “xù tiền” sau bữa ăn của một nhà hàng. Sau khi dùng bữa tối, thấy nhân viên cửa hàng không để ý, hai vị khách này đồng loạt đứng dậy, nhanh chân bỏ chạy trong sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến.
Bàn về vấn đề này, Ths. LS Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho biết, ở nước ngoài, một số quốc gia sẽ kết tội người ăn xin trên phố hoặc người nước ngoài bán hàng rong trên phố cũng bị coi là lao động bất hợp pháp và bị trục xuất.
Tuy nhiên ở Việt Nam và một số nước châu Á chưa có quy định này, do đó tình trạng các khách du lịch đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam rồi lại làm các công việc như ăn xin, bán hàng rong không phải là hiếm.
Điều này không mang lại nguồn thu cho ngành du lịch mà lại gây phản cảm, làm xấu đi hình ảnh du lịch của địa phương.
"Tôi cho rằng chúng ta cần phải có những quy định cụ thể, yêu cầu về điều kiện nhập cảnh và giới hạn những hoạt động, công việc mà khách du lịch được phép hay không được pháp thực hiện, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh nếu có hành vi vi phạm.
Điều này không có nghĩa chúng ta kìm kẹp, hạn chế du lịch đối với các hình thức “du lịch bụi” hay gây khó khăn cho những khách du lịch không may bị mất trộm đồ, rủi ro trong quá trình du lịch mà chúng ta vẫn tạo điều kiện cho họ được đảm bảo quyền lợi trong một khuôn khổ pháp luật nhất định.
Chúng ta sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ những người rủi ro khó khăn để họ có công việc hợp pháp, kiếm tiền trang trải cuộc sống tạm thời và chi phí về nước, thế nhưng đối với các du khách xin tiền để thỏa mãn thú vui ăn chơi xa xỉ, không lao động muốn hưởng thụ, làm xấu hình ảnh du lịch thì phải có biện pháp xử lý thích đáng.
“Những vấn đề này cần được sớm xem xét, nghiên cứu và quy định cụ thể, rõ ràng hơn tránh để việc quy định quá “lỏng” nên dễ bị lợi dụng, lạm dụng làm xấu hình ảnh du lịch đất nước”, Ths. LS Đặng Văn Cường nhận định.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Du khách nước ngoài đến Việt Nam để ăn xin, ‘quỵt’ tiền: Xử lý được không? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].