Nhiều người trẻ bị đột quỵ não vào mùa lạnh, nguyên nhân do đâu và làm cách nào để phát hiện sớm?

Số người bị đột quỵ não gia tăng trong những ngày lạnh, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu và làm thế nào để nhận biết sớm người bị đột quỵ não?

Vì sao người bị đột quỵ não gia tăng trong mùa lạnh?

Bệnh viện Bãi Cháy thông tin, trong năm 2022, đơn vị này đã tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhân bị đột quỵ não (tai biến mạch máu não), với đa dạng các thể như nhồi máu não, xuất huyết não… Trong số đó tỷ lệ người trẻ tuổi chiếm khoảng 20%. Đa số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng cao ở thời điểm mùa đông lạnh sâu, rét đậm.

Đột quỵ não có 2 loại gồm:

- Đột quỵ nhồi máu não: hay còn gọi là thiếu máu não cục bộ là tình trạng động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc hoàn toàn dẫn tới việc lưu lượng máu cung cấp tới não bị giảm đột ngột. Tình trạng này chiếm đại đa số, khoảng 85% ca đột quỵ.

- Đột quỵ xuất huyết não: hay còn gọi là xuất huyết nội sọ, là một trường hợp hiếm gặp hơn của đột quỵ (khoảng 15%). Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị vỡ đột ngột làm máu tràn vào nhu mô não gây tổn thương não.

Đột quỵ não nguy hiểm không chỉ bởi nó là căn bệnh cấp tính, không thể lường trước mà di chứng để lại rất nặng nề. Bệnh nhân đột quỵ ở thể nặng có thể tử vong trong giờ đầu, ngày đầu. Qua thời gian, có thể để lại di chứng nặng như liệt nửa người, phải có người hỗ trợ sinh hoạt, tổn hại về sức khỏe và tinh thần...

Một trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ não được các bác sĩ BV Bãi Cháy cứu sống nhưng di chứng nặng nề

Một trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ não được các bác sĩ BV Bãi Cháy cứu sống nhưng di chứng nặng nề

Nói về nguyên nhân khiến các ca đột quỵ não gia tăng trong mùa lạnh, các bác sĩ giải thích, thời tiết miền Bắc đang trải qua những đợt rét lạnh kéo dài, có những ngày xuống dưới 10 độ C khiến mạch máu co lại, huyết áp tăng đột ngột gây nguy cơ vỡ mạch máu não.

Thêm nữa, vào mùa lạnh, số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, dẫn đến làm tăng độ đặc quánh của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt, ở những người bị xơ vữa động mạch, mức cholesterol cao thì khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu càng cao gây nguy cơ đột quỵ não.

Những người cao tuổi (từ 50 trở lên), người bị huyết áp cao, người bị đái tháo đường, người hút thuốc lá và béo phì là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ não mùa lạnh cao nhất.

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến lối sống thiếu khoa học dẫn đến tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa như: ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài...

4 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ não không nên bỏ qua

Đối với người bị đột quỵ não, thời gian là vàng, quyết định sự sống cũng như là khả năng phục hồi của bệnh nhân. Đặc biệt đối với những trường hợp nhồi máu não cần phải vào viện trong khoảng thời gian 3 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu bệnh vì đây là thời gian vàng để sử dụng các biện pháp tái thông mạch máu, cứu sống người bệnh.

Để nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời người thân bị đột quỵ não, các bác sĩ khuyến cáo cần căn cứ vào 4 dấu hiệu theo quy tắc F.A.S.T (nhanh) như sau:

- Face (Khuôn mặt): Mặt méo mó, cảm giác tê, cứng. Cười lên thì méo mó sẽ rõ hơn.

- Arm (Tay, chân): Tê mỏi một bên tay, vụng về trong những thao tác. Chân đi dễ bị vấp té, bước đi khó khăn.

- Speech (ngôn ngữ/lời nói): Một số người đột quỵ khó nói, nói đơ, môi lưỡi cứng lại, nếu yêu cầu nói một câu đơn giản ngắn gọn thì dễ phát hiện.

- Time (Thời gian): Đột quỵ não là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến mạch máu não. Khi người thân xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Cách phòng ngừa đột quỵ não trong mùa lạnh

- Giữ ấm cơ thể: Hạn chế thời gian ở ngoài trời lạnh, không đi tập thể dục quá sớm. Nếu cần ra ngoài hãy mặc ấm, nhiều lớp, che đầu và tay, đi tất và giày; Uống nhiều nước ấm, không tắm muộn hay tắm nước lạnh, giữ ấm nhà cửa…

- Kiểm tra huyết áp thường xuyên: Bệnh tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.  Do vậy, trong mùa lạnh, người bệnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì dùng thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc.

- Đảm bảo dinh dưỡng để cơ thể chóng chọi với giá lạnh: không dùng nhiều đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ dầu mỡ nhiều choloesterol và chất béo, thức uống có cồn, nước có ga, rượu bia… Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thịt trắng, cá, trứng, ngũ cốc và các loại đậu…

- Tập thể dục hàng ngày: tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/lần tập và duy trì 3-4 lần/ tuần để tăng cường sức khỏe.

- Bỏ thói quen hút thuốc lá - một trong những căn nguyên gây ung thư phổi và đột quỵ, không uống rượu bia nhiều. 

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe, giúp phát hiện bệnh và tìm ra phương pháp điều trị sớm nhất. 

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính