Báo Điện tử Gia đình Mới

Điều trị tăng huyết áp hiệu quả bằng thảo dược Đông y

Người bị tăng huyết áp nếu không biết cách chăm sóc và điều hòa huyết áp đúng cách sẽ rất dễ bị đột quỵ. Dưới đây là cách kiểm soát huyết áp bằng các loại thảo dược Đông y.

Nguyên nhân tăng huyết áp là gì?

Theo lương y Nguyễn Thanh Thúy, Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, tăng huyết áp là thuộc chứng huyễn vựng, đầu thống, can dương thượng cang. Bệnh tăng huyết áp do nhiều nguyên nhân gây ra như:

  • Do trúng phong kinh lạc
  • Do trúng phong tạng phủ
  • Do mất cân bằng âm dương trong tạng phủ
  • Phong Thấp làm trở trệ lưu thông khí huyết, dẫn đến mạch máu tắc nghẽn...
  • Tinh thần cũng là vấn đề rất quan trọng, các trạng thái cảm xúc như: ưu tư, hỉ, nộ, khủng, bi… đều có thể dẫn đến tăng huyết áp.
  • Tình chí khi thái quá cũng dẫn đến ảnh hưởng lớn đến công năng tạng phủ rất lớn, làm tổn hao khí huyết, làm mất cân bằng âm dương trong tạng phủ.
  Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt sẽ rất dễ dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa

Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát tốt sẽ rất dễ dẫn đến đột quỵ. Ảnh minh họa

Để điều trị tăng huyết áp, lương y Thanh Thúy cho biết, cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, từ đó áp dụng phương pháp giúp điều hoà khí huyết, cân bằng âm dương trong tạng phủ, giúp giảm huyết áp, phòng ngừa đột quỵ.

Các loại thảo dược giúp hạ huyết áp, tăng cường sức khoẻ

Trong Đông y có một số loại thảo dược thường được dùng để làm trà hạ huyết áp, tăng cường sức khỏe.

- Hòe hoa: Trong nụ hoa hòe chứa rất nhiều chất Rutin, là hoạt chất có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim và giảm bớt tính thẩm thấu của mao mạch và làm tăng độ bền của thành mạch. Nụ hoa hòe thường được chọn để bào chế các loại trà hạ áp, liều dùng mỗi ngày từ 4 - 12g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hãm.

- Dừa cạn: là loại cây thân thảo, thường mọc hoang. Dừa cạn có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng làm lưu thông máu huyết, lợi tiểu và hạ huyết áp. Liều lượng từ 10-20 gam cây khô mỗi ngày, dùng dưới dạng sắc uống hoặc hãm uống.

  Sử dụng trà cỏ ngọt sẽ giúp ổn định huyết áp. Ảnh minh họa

Sử dụng trà cỏ ngọt sẽ giúp ổn định huyết áp. Ảnh minh họa

- Cỏ ngọt: Thành phần hóa học chính trong cây là một chất đường năng lượng thấp, có độ ngọt cao gấp hàng trăm lần đường mía. Chúng được dùng làm chất thay thế cho đường mía, rất thích hợp cho những người phải kiêng chất đường.

Cỏ ngọt thường được dùng phối hợp để bào chế các loại trà dành cho những người bị tăng huyết áp kèm theo bệnh đái tháo đường hoặc béo phì.

Sử dụng cỏ ngọt có tác dụng làm giảm cảm giác thèm ăn chất ngọt, lợi tiểu, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, ít đau đầu và huyết áp luôn được ổn định. 

- Tâm sen: Là phần mầm nằm giữa hạt gọi là tâm sen. Tâm sen có vị đắng tính hàn, có tác dụng giãn mạch ngoại vi, hạ áp.

Tâm sen thường được dùng chữa chứng mất ngủ, tăng huyết áp. Tâm sen thường được phối hợp với một vài dược liệu khác để trị bệnh. Liều trung bình mỗi ngày khoảng 1,5 - 3g, sắc hoặc hãm uống.

- Cúc hoa hay hoa cúc: là hoa của hai loại cúc hoa vàng và cúc hoa trắng. Trong cúc hoa có các axit amin như adenin, cholin và Vitamin A. Cúc hoa có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt.

Dùng chữa các trường hợp: hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, huyết áp cao. Liều dùng là 8-12g hoa dưới dạng hãm hoặc thuốc sắc uống.

Ngoài việc sử dụng các loại thảo dược Đông y để hỗ trợ điều trị bệnh, người bị tăng huyết áp cũng cần tuân thủ việc dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị, thường xuyên tập luyện thể thao, hạn chế ăn mặn, không sử dụng các chất kích thích và đồ uống có cồn.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO