Theo ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, nhiều cha mẹ có tâm lý sợ con không đủ chất dinh dưỡng, bị còi cọc so với bạn bè, nên chọn giải pháp xay nhuyễn thức ăn rồi ép con ăn năm này qua tháng nọ.
Cha mẹ cứ nghĩ làm như vậy là tốt cho con, nhưng thực tế cách làm này là sai lầm và có thể gây hại cho sự phát triển của trẻ.
Thức ăn có thể hiểu nôm na là chất cung cấp “xăng dầu” để giúp cho bộ máy cơ thể con người “chạy” được trơn tru. Nhưng không phải cứ nuốt vào miệng thì thức ăn lập tức giúp “máy móc” trong cơ thể con người vận hành được, mà cần phải có một quá trình xử lý phức tạp.
Quá trình này sẽ biến thức ăn từ những món ăn thông thường gồm nhiều chất phức hợp trở thành những phần tử chất đơn giản mà cơ thể có thể sử dụng được để tạo ra năng lượng thực sự.
Thức ăn được xử lý như thế nào trong cơ thể?
Nếu hình dung hệ tiêu hóa của chúng ta là một cái ống rỗng ruột gồm có 2 đầu, đầu trên là miệng, đầu dưới là hậu môn thì quá trình xử lý thức ăn bắt đầu ngay khi chúng còn chưa chạm vào miệng.
Đây là một phản xạ thần kinh được hình thành trong quá trình tập ăn. Chúng ta được ngậm, nếm, ngửi, nhai một loại thức ăn mà theo chúng ta là rất ngon lành, khó quên với màu sắc đẹp mắt, hương vị lạ lẫm, mùi vị thơm ngon.
Vì thế về sau, chỉ cần lại được nhìn thấy, ngửi thấy mùi thức ăn, thậm chí chỉ cần nghe nhắc đến tên gọi hay nghĩ đến món ăn ấy thì nước bọt ở miệng đã bắt đầu tiết ra và quá trình tiêu hóa đã bắt đầu khởi động nhằm mục đích chuẩn bị cho quá trình xử lý miếng thức ăn đầu tiên được đưa vào miệng.
Và khi con người dùng răng cắn/xé thức ăn thành miếng nhỏ và nghiền nát chúng bằng động tác nhai, men tiêu hóa tinh bột là amylase đã nằm sẵn trong nước bọt bắt đầu giúp tiêu hóa một phần chất tinh bột và nước bọt sẽ giúp làm nhão thức ăn để chúng ta có thể nuốt một cách dễ dàng.
Tiếp đó, thức ăn được đẩy dọc theo ống tiêu hóa cứ thế trải qua một quá trình nhào trộn, cắt nhỏ, phân hủy dưới tác dụng cơ học, axit dịch vị, men tụy, mật để cuối cùng biến thành những chất đơn (đường đơn, axit béo, axit amin, vitamin) được hấp thu tại đoạn giữa ống tiêu hóa vào máu. Đây mới là “xăng dầu” thực sự mà “bộ máy cơ thể” có thể sử dụng giúp cơ thể chúng ta phát triển.
Một phần thức ăn không được cắt nhỏ, phân hủy, hấp thu hết vì một lý do nào đó sẽ được đẩy xuống đầu dưới của ống, thành chất thải và tống ra ngoài.
Trẻ còi cọc, kém hấp thu do bị “lừa ăn”
Khi cha mẹ xay thức ăn cho trẻ mới tập ăn, vì thức ăn xay vẫn là một món mới, có vị lạ, thô hơn sữa nên trong những lần ăn đầu tiên, trẻ vẫn có động tác giữ thức ăn lại tại miệng, nhai rồi mới nuốt.
Nếu cha mẹ nắm bắt được kịp thời những biểu hiện thích thú trong ăn uống của trẻ (nhai nhóp nhép, chép miệng…) để thay đổi ngay cách chế biến như tán thức ăn từ mịn đến thô, băm nhỏ, cắt nhỏ, để nguyên miếng… thì quá trình tiêu hóa thức ăn và thói quen ăn uống của trẻ sẽ diễn tiến theo chiều hướng rất thuận lợi.
Nhưng nếu cha mẹ kéo dài thời gian cho trẻ thức ăn xay, dần dần theo thời gian, hệ thần kinh trẻ bắt đầu nhận ra loại thức ăn xay này quá mịn để “phải nhai”, từ đó bắt đầu hình thành phản xạ nuốt chửng thức ăn mà không nhai.
Lâu dần trẻ sẽ lười nhau, hay ói do xuất hiện phản xạ co thắt vùng hầu họng (vì đã có lần nuốt chửng thức ăn còn to do chưa xay kỹ). Lúc này quá trình tiêu hóa tại miệng đã không diễn ra, trẻ không tận hưởng được mùi vị thức ăn ngon dở ra sao do thức ăn không còn được thưởng thức tại miệng mà bị nuốt chửng, không được kích thích thị giác khi ăn vì màu sắc chén thức ăn xay nào cũng giống nhau.
Tình trạng này kéo dài sẽ làm quá trình tiêu hóa sẽ ngày càng tệ, khẩu vị ngày càng giảm, trẻ ngày càng biếng ăn, còi cọc.
Và tình hình sẽ càng tồi tệ hơn khi cha mẹ “bó tay” không biết làm cách nào để cho con ăn, rồi bắt đầu cho trẻ xem tivi, điện thoại trong giờ ăn vì “không xem thì nó không ăn”.
Lúc này trẻ sẽ rơi vào tình trạng “bị lừa ăn” chứ không còn biết mình đang được ăn nữa, phản xạ nhai sẽ mất hoàn toàn. Trẻ nuốt tất cả mọi thức ăn vừa được cha mẹ đút vào mà không cần biết nó thô hay mịn, và hậu quả tất yếu là trẻ buồn nôn kéo dài, tiêu hóa kém, táo bón, kém thô hấp thu…
Đặc biệt là khi trẻ bước vào lứa tuổi đến trường, trẻ sẽ gặp muôn vàn khó khăn từ tâm lý (bị cô mắng, ép ăn) đến thể chất (rối loạn tiêu hóa, chậm phát triển…).
Cha mẹ nên để con biết đói và tự giác trong ăn uống
Theo bác sĩ Huỳnh Mai, để trẻ tự giác trong ăn uống và cho trẻ biết đói là rất cần thiết nhằm giúp trẻ ăn tốt.
Cha mẹ cần kiên nhẫn cho trẻ tập nhai từ những ngày đầu tiên tập ăn dặm, tạo hứng thú và phản xạ thần kinh tốt cho bé (chế biến bữa ăn nhiều màu sắc, ăn dặm chỉ huy…).
Nên để bé ăn chung với đông người để chúng có thể bắt chước và thích không khí ăn uống.
Đặc biệt cần lưu ý không làm trẻ xao lãng trong bữa ăn bằng việc xem tivi, điện thoại, chơi trò chơi….
Ngoài ra, cha me cần chế biến thức ăn phù hợp lứa tuổi, đủ chất, không sử dụng những nguyên liệu có mùi vị quá khó ăn và đặc biệt không dùng sữa thay thế cho bữa ăn. Hạn chế ăn vặt trước bữa ăn chính.
Nếu trẻ không thích món ăn này, cha mẹ có thể thay thế bằng một món ăn khác có thành phần tương tự, không nên ép buộc trẻ phải ăn cái này hay cái kia, tốt nhất nên để trẻ cảm thấy ăn uống là niềm vui chứ không phải là cực hình.