Dù bạn đang là học sinh - sinh viên hay là một người phụ nữ đã có công việc và cả một gia đình phải chăm lo thì việc quản lý tài chính vẫn là rất quan trọng.
Khi biết cách chi tiêu hợp lý, những dịp sinh nhật bạn bè, một buổi tụ tập nào đó hay một chuyến đi xa... - bạn đều có thể tự mình thực hiện mà không cần phụ thuộc vào ai khác.
Tuy nhiên, các cô gái vẫn thường mắc phải những sai lầm 'chết người' khiến cho dù đã cân đo đong đếm thì cuối mỗi tháng, bạn vẫn chẳng dành ra được đồng tiết kiệm nào, và chuyến đi đến những miền đất xinh đẹp vẫn chỉ mãi là 'một ngày nào đó'...
1. Tiết kiệm không đúng chỗ
Nhiều người khi thực hiện việc 'tiết kiệm' chỉ là quan tâm đến những chỗ đang giảm giá, so sánh giá một chiếc áo ở cửa hàng này với cửa hàng khác... Thực tế, những đợt giảm giá chỉ dễ khiến bạn mua những món đồ mà có khi cả năm chẳng đụng đến bao giờ.
Thay vì tiết kiệm một vài đồng lẻ hoặc lao mình vào những đợt sale mùa lễ, bạn hãy dành ra mỗi tháng một khoản nhỏ để tiết kiệm - có khi chỉ cần bớt vài ly trà sữa là đủ. Nếu không tin tưởng vào khả năng kiềm chế của mình trước vô vàn 'cám dỗ', bạn có thể mở một tài khoản ngân hàng chuyên để giữ tiền tiết kiệm.
Dù chỉ là 100 - 200 ngàn đồng thì 'tích tiểu thành đại', chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hài lòng khi có thể tiết kiệm tiền để chi tiêu vào những việc 'hoành tráng' hơn - như thay một chiếc điện thoại mới hay một chuyến du lịch với bạn bè chẳng hạn.
2 - Quên rằng 'tiền nào của nấy'
Đúng là cảm giác khi mua được đồ rẻ cũng thích thật, nhưng phải có lý do nào đó ngoài thương hiệu mà cùng một dáng áo lại có giá vô cùng khác biệt.
Nhiều người vẫn cho rằng xu hướng thời trang thay đổi liên tục, vậy nên mua một món đồ 'nồi đồng cối đá' cũng chẳng để làm gì.
Tuy nhiên, với những món đồ mà hầu hết các cô gái nào đều nên có (áo phông, sơ mi, váy chữ A... màu cơ bản) thì bạn không nên tiếc tiền mà hãy mua những món đồ có chất lượng tốt, bởi bạn sẽ phải dùng đến chúng rất nhiều lần.
3. 'Tiền của anh cũng là tiền của em'
Sai lầm này thường bắt gặp ở những người phụ nữ đã lập gia đình hoặc sống chung với người yêu. Nhiều người quy tất cả thu nhập của hai người về một mối mà không có bất cứ khoản tiết kiệm cá nhân nào.
Đôi khi, 'quỹ đen' không hề 'đen' như bạn vẫn nghĩ. Hãy nghĩ đến những lúc gia đình có việc gấp, muốn tặng món quà nào đó cho bạn bè, người thân, hay khi tình cờ thấy một chiếc váy 'xinh không cưỡng được', bạn vẫn có thể tự mình quyết định việc chi tiêu.
4. Hy sinh quá nhiều
Theo thống kê của các nhà xã hội học Anh, những người phụ nữ độc thân thường có tài sản nhiều hơn những người phụ nữ đã lập gia đình, dù vẫn có mức thu nhập tương đương.
Một sự thật có thể quan sát được ở ngay những người mẹ, người chị quanh ta - nhiều người làm được bao nhiêu là đổ hết bấy nhiêu vào gia đình, không chi tiêu gì cho bản thân dù là những thứ nhỏ nhặt nhất - thay đôi tất, đôi giày đã sờn cũ, đầu tư cho sở thích cá nhân...
Hy sinh cho gia đình có thể là niềm hạnh phúc của nhiều người phụ nữ, nhưng bạn hoàn toàn có thể chăm lo cho gia đình nhỏ mà vẫn giữ được những niềm đam mê riêng của bản thân.
5. Cả nể
Dù là một lời 'rủ rê' đi shopping hay một lời mời đi ăn tại nhà hàng 'sang chảnh', đôi khi chúng ta vẫn khó lòng nói câu từ chối chỉ vì... cả nể.
Với những mối quan hệ thân thiết, bạn đừng ngại chia sẻ về tình trạng 'viêm màng túi' của mình, bởi khi đó cả hai có thể tìm những địa điểm hẹn hò với giá cả dễ chịu hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên giắt lưng những địa chỉ ăn uống, mua sắm chất lượng mà giá cả phải chăng để có thể tha hồ tụ tập cùng bạn bè mà không lo 'cháy túi' vào cuối tháng.
6. Coi mua sắm như một cách xả stress
Shopping có thể là một cách xả stress hiệu quả, nhưng nó chỉ giúp bạn giải tỏa tức thời mà thường để lại hậu quả là những ngày rỗng túi sau đó.
Khi mua sắm trong tâm trạng chán chường, bạn cũng dễ rơi vào những 'cái bẫy' của các nhà quảng cáo hay chủ cửa hàng hơn.
Vì thế, hãy luôn ghi chép lại việc mua sắm của mình và đặt giới hạn cho những lần đi shopping cùng hội cạ cứng.
Bạn cũng nên 'unlike' những cửa hàng bán nhiều món đồ đáng yêu nhưng thường ít hữu dụng mà mua về bạn chẳng mấy khi dùng đến, bởi sẽ khó mà cưỡng lại mỗi khi thấy những đợt sale 'khủng' của các cửa hàng này.
Top 5 phần mềm quản lý chi tiêu hiệu quả nhất cho Android và iOS
1. Level Money (Miễn phí)
Level Money là một ứng dụng đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ giúp phân tích tình hình tài chính của bạn.
Nó sẽ chia các chi phí cần thiết của bạn ra rất rõ ràng: hóa đơn, tiền thuê nhà,... và bạn có thể phân bổ thu nhập của mình và sử dụng hướng dẫn chi tiêu để có thể kiểm soát được số tiền bạn tiêu hàng ngày.
2. Spendee (Miễn phí)
Một ứng dụng quản lý chi tiêu với giao diện infographics đầy màu sắc, vô cùng thu hút và dễ dàng sử dụng.
Spendee có thể đưa ra những phân bố trong quản lý tài chính của bạn và giúp tối ưu hóa ngân sách. Nó cũng có tính năng infographics đẹp, chia thu nhập và chi phí riêng biệt, và tích hợp trong một giao diện đơn giản.
Bạn có thể chia sẻ tài khoản chung với gia đình, bạn bè và đối tác hoặc theo dõi tài chính với nhiều loại tiền tệ cùng lúc. Ngoài ra, còn có thể tách riêng khoản chi tiêu cho các dịp đặc biệt như: nghỉ hè, đám cưới, lễ kỷ niệm....
3. PocketGuard
Đây là một trong số các ứng dụng quản lý chi tiêu an toàn nhất mà bạn có thể sở hữu. PocketGuard cung cấp một giải pháp dễ dàng và an toàn để quản lý tiền.
Nó giám sát dòng tiền, số dư ngân hàng, và chi tiêu hàng ngày bằng cách kết nối với tài khoản ngân hàng của bạn (bao gồm hơn 18.000 tổ chức tại Mỹ).
Một khi thiết lập và cài đặt, PocketGuard sẽ tự động lưu lại các hóa đơn, đăng ký và thu nhập theo tháng định kỳ. Các ứng dụng ưu tiên bảo mật bằng cách sử dụng mã hóa SSL 128-bit với và bảo vệ dữ liệu của bạn với một mã PIN 4 chữ số.
Ngoài so sánh báo cáo chi tiêu hàng tháng, Pocket Guard có tính năng được thiết kế để ngăn chặn bội chi.
Ngoài ra còn có mục thể hiện số dư ngân hàng và đồ thị dòng tiền minh họa triển vọng tài chính và xu hướng chi tiêu của bạn.
Các ứng dụng đi kèm với lời nhắc nhở thuận tiện cũng như: cảnh báo cho bạn cho những ngày thanh toán thẻ tín dụng, đăng ký thanh toán, chi trả các loại phí, lệ phí, và tiền lương.
4. HomeBudget
HomeBudget mang đến một tập hợp tính năng vô cùng đa dạng và phong phú. Đó là một trong những ứng dụng lập kế hoạch tài chính đa nền tảng xuất sắc nhất trong việc quản lý tiền bạc.
Tính năng quan trọng của nó bao gồm một mục riêng được thiết kế để theo dõi chi phí, thu nhập, hóa đơn và số dư tài khoản ngân hàng của bạn. Tất cả sẽ được thể hiện bằng biểu đồ - đồ thị và có công cụ phân tích riêng.
Ứng dụng này có thể đồng bộ hoá trên nhiều thiết bị khác nhau. Bạn có thể chụp và gắn hình ảnh các biên lai, hoá đơn đã chi tiêu, phân loại chi phí cố định, thay đổi và tùy ý cài đặt để tự động tính toán thu nhập của bạn. HomeBudget sẽ có biểu đồ thể hiện riêng với mật khẩu bảo vệ để truy cập vào dữ liệu.
5. Mint - Ứng dụng quản lý chi tiêu miễn phí tốt nhất
Mint tiếp tục là một ứng dụng quản lý chi tiêu tốt nhất và phổ biến nhất, đã thu hút được rất nhiều người sử dụng.
Đây là một ứng dụng miễn phí thực hiện để giúp bạn chi tiêu thông minh và tiết kiệm hơn. Nó cung cấp cho bạn những thông tin hiện có từ tất cả tài khoản, thẻ và các khoản đầu tư để theo dõi thu nhập của bạn.
Bên cạnh đó, Mint còn liên tục kiểm tra điểm số thẻ tín dụng, nhắc nhở hóa đơn và đưa ra những lời khuyên cá nhân để giảm chi phí và tiết kiệm tiền.
Mint cũng có thể tự động phân loại các giao dịch ngân hàng và thẻ tín dụng, tạo ra các biểu đồ và đồ thị để cho bạn thấy rõ nhất các khoản chi tiêu của mình.
Ngoài ra còn có các tính năng thể hiện xu hướng chi tiêu giúp bạn theo dõi thẻ tín dụng, tiền mặt, chi tiêu, thu nhập, và giá trị ròng tăng hay giảm theo thời gian.
Bạn cũng có thể lưu trữ và xem tất cả các mục liên quan đến tài chính cá nhân của bạn cả Online và Offline.
Hãy xác định mục tiêu tài chính, ví dụ như tiết kiệm cho các chuyến đi hoặc trả hết nợ, và nhận được lời khuyên về số tiền cần chuẩn bị và cách phân phối tiền của bạn. Dữ liệu của bạn được bảo vệ với mã hóa 128-bit và mã số bao gồm 4 chữ số bí mật.
Trong trường hợp thiết bị di động của bạn bị mất hoặc bị đánh cắp, tất cả các thông tin tài khoản của bạn có thể bị xóa từ xa.
Mai HoaBạn đang xem bài viết Điểm tâm 11/12: 6 sai lầm kinh điển thường khiến phụ nữ luôn trong tình trạng rỗng túi tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].