Báo Điện tử Gia đình Mới

Điểm chuẩn đại học 2020: 29 điểm vẫn trượt, nam sinh không ngại ngần khóc tu tu

Ghi nhận điểm chuẩn của các trường đại học trong cả nước cho thấy, năm nay điểm chuẩn của đa số các trường đều tăng so với năm trước. Cá biệt có những thí sinh đạt 29,5 điểm nhưng vẫn trượt.

29 điểm ngỡ đỗ chắc mà vẫn... trượt

Sau khi trường ĐH Bách khoa công bố điểm chuẩn, Nguyễn Hoàng Phương (Sơn Tây, Hà Nội) và bố mẹ đều không giấu được thất vọng vì Phương trượt nguyện vọng 1 đăng ký vào ngành Khoa học máy tính của trường. Trong khi, số điểm của Phương đạt được là 29 điểm. 

"Thấy con trai có điểm thi cao, cả cộng điểm khu vực đạt 29 điểm, cả nhà tôi đều tin tưởng và phấn khởi nghĩ rằng con sẽ đỗ nguyện vọng 1 vào ngành mà con chọn là Khoa học máy tính nhưng khi trường công bố điểm chuẩn lấy 29,04 điểm ngành này, cả cháu lẫn gia đình tôi đều hụt hẫng. Số điểm nay tăng 1,62 điểm so với năm ngoái (27,42 điểm).

Con đang rất buồn, hôm qua biết điểm đã không kiềm chế được khóc nức nở nên chúng tôi phải động viên cháu chấp nhận nguyện vọng 2".

  Có số điểm thi rất cao 29 điểm nhưng vẫn trượt đại học nguyện vọng 1.

Có số điểm thi rất cao 29 điểm nhưng vẫn trượt đại học nguyện vọng 1.

Còn với nữ sinh Nguyễn Thu Châu (quận Tây Hồ, Hà Nội), nữ sinh này cũng buồn rầu khi ước mơ học ngành Sư phạm Toán học dạy bằng Tiếng Anh (tổ hợp A00) tại Đại học Sư phạm Hà Nội đã "tan thành mây khói" khi thiếu nửa điểm so với điểm chuẩn của trường. 

Điểm xét tuyển của Châu đạt 27,5 (số điểm khá cao so với nhiều thí sinh các năm trước của ĐH Sư phạm Hà Nội) nhưng điểm chuẩn của ngành Sư phạm Toán học dạy bằng Tiếng Anh là 28 điểm.

Điểm chuẩn tăng, nhiều thí sinh trượt cả 5 nguyện vọng dù điểm cao

Tính tới thời điểm nay đã có hơn 70 trường Đại học công bố điểm chuẩn. Nhìn bảng điểm của các trường, không khó để thấy điểm chuẩn nhiều trường tăng so với năm ngoái từ 1- 3 điểm.

Mức điểm thực tế khi một số trường công bố hẳn khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng bởi sự tăng vọt, đặc biệt ở khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật - Công nghệ, Y - Dược.

Trường ĐH Ngoại thương, chuyên ngành kinh tế đối ngoại, dù đây là chuyên ngành có chỉ tiêu cao nhất (1170 chỉ tiêu cho tất cả các phương thức) trong toàn trường nhưng mức điểm chuẩn cũng lên tới 28,6 điểm tổ hợp A00 tại trụ sở chính Hà Nội và 28,3 điểm tổ hợp A00 tại cơ sở 2 ở TP.HCM, chênh lệch các tổ hợp khác so với A00 là thấp hơn 0,5 điểm.

Điểm chuẩn nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế cao nhất lên đến 28 điểm, cao hơn 1,8 điểm so với mức điểm chuẩn của năm ngoái. Các nhóm ngành khác như Luật; Tài chính - Ngân hàng, Kế toán,... mức điểm chuẩn cũng đều tăng lên gần 2 điểm.

Nếu thống kê mức điểm chuẩn của riêng Trường ĐH Ngoại thương trong 5 năm gần nhất, thì mức điểm năm nay cũng thuộc hàng cao nhất và xấp xỉ với năm 2017 - năm được đánh giá là trải qua một kỳ thi THPT quốc gia có “mưa điểm 10”.

Dẫn chứng đối với trường top giữa là đại học Thương mại, năm nay điểm chuẩn các ngành đều dao động ở mức 24 đến hơn 26. Trong khi năm ngoái, mức điểm chuẩn chỉ trong khoảng từ 22 đến 24, và cũng chỉ có duy nhất một ngành có mốc điểm chuẩn 24. Điểm khá thú vị là ngành có điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Thương mại năm 2019 chỉ bằng đúng ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm 2020.

Năm nay, ngành Marketing có mức điểm chuẩn cao nhất Trường ĐH Thương mại với 26,7 điểm; xếp ngay sau đó là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 26,5 điểm.

Hay với trường Trường ĐH Y Hà Nội, điểm chuẩn năm 2020 cũng tăng từ 2,15 đến 3,35 điểm, tăng mạnh nhất là ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa (3,35 điểm) và ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (3,3 điểm).

Thầy giáo Đỗ Quang (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ với PV Gia Đình Mới, ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn, 1/3 số học sinh trong lớp đều báo tin trượt nguyện vọng 1, 2, 3, thậm chí có em trượt cả 5 nguyện vọng. Mà điều hụt hẫng là các thí sinh báo trượt nguyện vọng 1 đều là những học sinh có điểm xét tuyển 24 - 25 điểm. "Các cháu đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường những năm trước lấy mức điểm tương đương hoặc thấp hơn điểm thi của các cháu, do đó năm nay các trường đều nâng điểm chuẩn từ 1- 3 điểm nên các cháu trượt".

Về nguyên nhân khiến điểm chuẩn tăng mạnh so với năm ngoái, ngoài yếu tố khách quan là điểm thi, việc các trường ngày càng tuyển sinh bằng nhiều phương thức cũng là một phần nguyên nhân đẩy điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tăng vọt.

Bởi khi số chỉ tiêu đã được lấp dần bởi các phương thức khác, số dành cho phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT chắc chắn bị co hẹp.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính