Địa long (giun đất) không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cải tạo đất nông nghiệp mà còn có nhiều giá trị trong Y học cổ truyền. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thông tin về việc sử dụng địa long sống chữa Covid đã gây xôn xao dư luận. Vậy địa long có tác dụng gì? Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
1 Giới thiệu về giun đất
Tên gọi khác: Thổ long, Địa long, Giun khoang, Trùn hổ, Khâu dẫn, Khưu dẫn, Thổ thiện, Uyên thiện, Can địa long, Trùn đất.
Tên khoa học: Lumbricus.
Họ: Giun đất (Megascolecidae).
Mô tả giun đất
Địa long (giun đất) là loài động vật ruột khoang sống trong lòng đất, đặc biệt ở những vùng đất xốp và ẩm ướt. Giun đất trung bình dài khoảng 10 - 34cm và rộng 5 - 15mm.
Thân giun đất màu nâu hồng hoặc nâu đen. Bề mặt da mềm, ẩm ướt, nhiều đốt và có khả năng co giãn, giúp giun dễ dàng di chuyển dưới đất.
Thức ăn chính của giun đất là mùn hữu cơ. Giun đất rất sợ ánh sáng nên thường ẩn mình dưới lòng đất và hiếm khi chui khỏi mặt đất. Chỉ khi mưa lớn làm cho đất trũng và mất độ xốp, giun mới bò lên để hô hấp do thiếu oxy.
Địa long (giun đất) sống ở những vùng đất xốp và ẩm ướt
Thu bắt và sơ chế giun đất
Toàn thân giun đất đều có thể được sử dụng để làm thuốc. Lưu ý, không nên sử dụng giun tự bò lên mặt đất vì theo dân gian, những con giun này thường yếu hoặc mang bệnh.
Để bắt giun đất sống, người ta thường chọn những khu đất xốp, ẩm và mềm, đặc biệt là khu vực dưới bóng râm. Sau đó, đổ nước sắc bồ kết hoặc lá nghể răm lên khu đất đó và giun sẽ tự bò lên, rồi nhanh tay thu giun vào thùng có sẵn tro hoặc rơm.
Sau khi thu hoạch, giun được rửa sạch bằng nước ấm để loại bỏ chất nhầy. Tiếp theo, mổ giun để làm sạch tạp chất trong bụng.
Sau khi sơ chế, giun đất có thể được chế biến theo các cách sau:
- Đem phơi hoặc sấy khô để dùng dần.
- Sao cho khô rồi bóp vụn trước khi dùng.
- Tùy theo mục đích sử dụng, có thể tán bột hoặc đốt tồn tính trước khi sử dụng.
- Giun đất tẩm gừng hoặc tẩm rượu rồi sao khô, sau đó tán thành bột để dùng dần.
- Ngâm giun đất với nước gạo qua đêm, sau đó để khô rồi tẩm rượu và sấy khô hoàn toàn. Tiếp theo, đem sao cùng gạo nếp và xuyên tiêu (mỗi loại khoảng 5g) cho đến khi gạo chín vàng thơm.
Theo dân gian, những con giun tự bò lên mặt đất thường bị bệnh nên không dùng làm thuốc
Thành phần hóa học có trong giun đất
Giun đất chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng như muối hữu cơ, vitamin, acid amin, choline, guanidine, lumbritin, lumbroferine, xanthine, adenine, hypoxanthine, alanine, valine, leucine và nhiều chất khác.
Giun đất chứa nhiều chất tốt cho sức khỏe con người như muối hữu cơ, vitamin, acid amin
2 Dùng địa long có thực sự chữa khỏi Covid
Hiện tại, chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng địa long có thể chữa khỏi Covid. Bộ Y tế đã khẳng định chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm nào có thành phần địa long với tác dụng hỗ trợ điều trị Covid.
Mặc dù địa long có tác dụng thanh nhiệt, giảm co giật và hỗ trợ điều trị hen suyễn trong Đông y, nhưng tác dụng này không liên quan trực tiếp đến Covid. Vì vậy, người dân không nên tin vào những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng về việc dùng địa long để chữa Covid, tránh tiền mất tật mang.
Chưa có bằng chứng khoa học chứng minh địa long có thể chữa khỏi Covid
3 Các tác dụng của giun đất đối với sức khỏe
Địa long có tác dụng theo Đông y
Theo Y học Cổ truyền, giun đất có vị mặn, tính hàn, không độc, quy vào kinh Tỳ, Thận và Can. Do đó, chúng được dùng để phá huyết kết, trừ phong thấp, hành thủy, khứ nhiệt, thông đại tiện, hành thấp bệnh và đại giải nhiệt độc. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trấn kinh, tiêu đờm, khử trùng tích.
Các bệnh thường được điều trị bằng giun đất bao gồm sốt cao kinh giật, viêm đường tiết niệu, hen phế quản, tiểu tiện không thông và các chứng phong thấp gây đau nhức.
Trong Đông y, giun đất dùng trị sốt cao kinh giật, hen, viêm đường tiết niệu
Địa long có tác dụng theo Y học hiện đại
Theo y học hiện đại, các nghiên cứu cho thấy giun đất chứa hoạt chất lumbritin có tác dụng phá huyết.
Bên cạnh đó, giun đất còn có khả năng chống co giật, kháng histamine, làm giãn mạch nội tạng, hạ huyết áp và thân nhiệt. Đặc biệt, nó còn giúp giãn phế quản, hỗ trợ điều trị hen suyễn và có tác dụng an thần.
Một số nghiên cứu thực nghiệm trên chuột bị trúng phong dẫn đến thiếu máu não cho thấy, việc tiêm 10 g/kg thuốc chứa giun đất đã cải thiện các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, giun đất cũng chứa chất có khả năng diệt tinh trùng và làm tăng hưng phấn thành tử cung.
Giun đất có tác dụng chống co giật, kháng histamine, làm giãn mạch nội tạng, hạ huyết áp và thân nhiệt
4 Cách dùng của giun đất đúng cách, hiệu quả
Giun đất thường được sử dụng dưới nhiều dạng như sắc lấy nước uống, tán bột, làm hoàn hoặc giã sống. Liều lượng khuyến cáo là từ 8 đến 12g giun đất mỗi ngày. Cụ thể, có thể dùng 6 – 12g giun đất dưới dạng thuốc sắc hoặc 2 – 4g thuốc bột.
Bạn có thể dùng từ 8 đến 12g giun đất mỗi ngày để chữa bệnh
5 Một số bài thuốc từ giun đất
Bài thuốc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư
Thành phần: Phong phòng (tổ ong), giun đất 40g, bản lam căn 40g, ngô công (rết) 40g, xà thoái (xác rắn lột) 40g, toàn yết (bò cạp) 40g, bồ công anh 40g và bạch hoa xà thiệt thảo 500g.
Cách chế biến và sử dụng: Nghiền nhỏ các dược liệu thành bột mịn, trộn với mật ong, rồi vo thành viên 8g. Mỗi lần uống 1 viên với nước nóng, ngày dùng 2 lần (sáng và tối).
Bài thuốc trị bệnh tâm thần phân liệt
Thành phần: Giun đất 20g, đường trắng 10g.
Cách chế biến và sử dụng: Sắc lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày (sáng và tối).
Bài thuốc trị hen suyễn, viêm phế quản cấp, mạn tính, khó thở
Cách 1: Sử dụng 12g giun đất hoặc 3 – 4g bột giun đất khô, sắc lấy nước uống, ngày dùng 2 lần.
Cách 2: Lấy cam thảo tươi và giun đất với lượng bằng nhau, đem sấy khô rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 4 – 5g, ngày dùng 2 lần.
Bài thuốc trị cao huyết áp
Thành phần: Thịt gà 50g, cần tây 50g, cao ngựa 10g, giun đất 12g, muối, hành và gừng (mỗi thứ 5g), nấm hương 10g.
Cách chế biến và sử dụng: Hầm tất cả nguyên liệu với 100ml nước cho nhừ, ăn cả nước lẫn cái, ngày ăn 1 lần.
Bài thuốc bổ dương hoàn ngũ thang
Bài thuốc này được dùng trong các trường hợp như liệt nửa người, méo mồm, không nói được, miệng sùi bọt mép, táo bón, tiểu nhiều lần.
Thành phần: Hoàng kỳ 15g, đương quy 8g, xích thược 6g, giun đất, xuyên khung, đào nhân, hồng hoa (mỗi vị 4g).
Cách chế biến và sử dụng: Đem sắc với 600ml nước còn lại 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này thường được dùng khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn liệt nặng. Ở giai đoạn nhẹ hơn, có thể thêm phòng phong 4g, sau 4 – 5 ngày thì bỏ phòng phong.
Giun đất được mang đi sắc cùng nhiều vị thuốc khác để bổ dương
Bài thuốc trị răng đau nhức
Thành phần: Gừng tươi, ngũ bội tử và giun đất sao khô (chuẩn bị lượng bằng nhau).
Cách chế biến và sử dụng: Dùng gừng tươi chà nhẹ vào răng đau, sau đó rắc bột ngũ bội tử và địa long đã nghiền nhỏ vào vùng răng đau.
Bài thuốc trị chảy máu chân răng
Thành phần: Xạ hương, khô phàn, bột địa long (mỗi vị 4g).
Cách chế biến và sử dụng: Tán thành bột rồi rắc trực tiếp vào vùng chân răng bị chảy máu để cầm máu.
Bài thuốc trị tay chân sưng đau, rã rời
Thành phần: Giun đất.
Cách chế biến và sử dụng: Giã giun đất rồi vắt lấy nước uống.
Giun đất có thể dùng trị tay chân sưng đau, rã rời
Bài thuốc trị đau mắt đỏ
Thành phần: Giun đất 10 con.
Cách chế biến và sử dụng: Sao khô giun đất, nghiền thành bột và uống với trà (khoảng 11,25g).
Bôi bên ngoài trị mụn nhọt, bệnh quai bị
Thành phần: Giun đất.
Cách chế biến và sử dụng: Giun đất giã nát rồi đắp lên vùng bị mụn nhọt hoặc sưng quai bị, giúp giảm viêm và giảm đau hiệu quả.
Bài thuốc từ giun đất giúp trị mụn nhọt hoặc bệnh quai bị
6 Lưu ý khi sử dụng giun đất trong điều trị bệnh
Giun đất là một vị thuốc quý nhưng cần được sử dụng đúng cách để đạt hiệu quả điều trị bệnh. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng bạn cần biết:
- Cần cẩn thận phân biệt giun đất với rắn giun (Typhlops) – một loài bò sát có hình dáng tương tự giun đất nhưng thân không có đốt, da khô, bóng và có vảy. Rắn giun không có tác dụng chữa bệnh.
- Tuân thủ liều lượng được khuyến cáo để đảm bảo hiệu quả và tránh các tác dụng phụ.
- Chống chỉ định - người bị hư hàn (chân tay lạnh, sợ lạnh, suy nhược cơ thể,...) hoặc tỳ vị hư nhược (bệnh liên quan đến đường tiêu hóa).
Giun đất là một vị thuốc quý nhưng cần được sử dụng đúng cách
Xem thêm:
- Bạch chỉ là gì? Những lợi ích của bạch chỉ đối với sức khoẻ
- Đông trùng hạ thảo là gì? Công dụng, cách dùng và tác dụng phụ
- Trinh nữ hoàng cung có tác dụng gì? Công dụng và liều dùng
Mặc dù, địa long có mặt trong nhiều bài thuốc cổ truyền giúp chữa bệnh nhưng việc dùng địa long sống chữa Covid chưa được chứng minh rõ ràng. Để phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn. Hãy chia sẻ bài viết này để mọi người có góc nhìn chính xác về các tác dụng của địa long, bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Địa long có tác dụng gì? Thực hư dùng địa long sống chữa Covid tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].