Vấn đề về giấc ngủ là tình trạng thường gặp ở khắp mọi nơi. Theo Cleveland Clinic, khoảng 1/3 người trưởng thành trên toàn thế giới gặp phải các triệu chứng mất ngủ, bao gồm rối loạn tâm trạng, khó tập trung và khó ghi nhớ.
Theo BS Neil Paulvin đến từ New York, các yếu tố hành vi như uống cà phê, sử dụng thiết bị ánh sáng xanh, uống rượu hoặc ăn ngay trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Yếu tố sinh học cũng có thể khiến bạn mất ngủ vào ban đêm. Paulvin cho biết: "Nhiều tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Ví dụ, các tình trạng gây đau mãn tính, khó thở và tăng tần suất đi tiểu cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.".
Theo Paulvin, đi bộ vào ban đêm là một bài tập tốt trước khi đi ngủ cho những ai khó ngủ vào ban đêm. Dưới đây lànhững lợi ích của việc đi bộ trước khi đi ngủ và 4 điều nên làm để tối đa hóa lợi ích của việc đi bộ ban đêm với giấc ngủ.
Lợi ích của việc đi bộ vào ban đêm
Mặc dù đi bộ có rất nhiều lợi ích bất kể thời gian trong ngày, nhưng Paulvin cho biết có một số lợi ích cụ thể khi đi bộ vào ban đêm.
Paulvin nói: Nhìn chung, đi bộ rất tốt cho tuổi thọ và giúp bạn ngủ ngon, Đi bộ trước khi đi ngủ sẽ làm giảm căng thẳng và làm dịu hệ thần kinh giao cảm để giúp bạn ngủ ngon”.
Lý do là bởi vì hormone giấc ngủ melatonin được kích thích bởi bóng tối, nên việc đi bộ ngoài trời để tránh xa màn hình thiết bị và ánh sáng nhân tạo sẽ gửi thông điệp đến cơ thể bạn rằng đã đến lúc chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi.
Nghiên cứu cho thấy rằng đi bộ trước khi đi ngủ có thể giúp bạn ngủ nhanh hơn và thậm chí có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và hiệu quả giấc ngủ (thời lượng ngủ).
Cách tăng tối đa lợi ích khi đi bộ ban đêm
Paulvin có một số mẹo để đảm bảo việc đi bộ trước khi đi ngủ sẽ giúp ích (không gây hại) cho giấc ngủ của bạn.
1. Đi bộ nhẹ nhàng
Nếu mục tiêu là để ngủ ngon thì đây không phải là lúc để tập luyện nặng và nghiêm ngặt.
Cơ thể bạn cần nhiều thời gian hơn để hạ nhiệt sau khi tập luyện cường độ cao, vì vậy hãy dành những bài tập nặng cho những buổi tập sớm hơn trong ngày.
2. An toàn là trên hết
Paulvin khuyên nên có người đồng hành khi đi bộ, mang đồ phản quang và đèn an toàn, đồng thời tránh xa các phương tiện giao thông bất cứ khi nào có thể.
Bạn cũng cần lên kế hoạch trước cho lộ trình và cố gắng chọn một tuyến đường mà bạn biết rõ, tuyến đường mà bạn đã đi qua vào ban ngày.
Bằng cách này, bạn biết đường đi của mình và sẽ ít có nguy cơ gặp phải những trở ngại không lường trước được.
Nếu bạn phải đi bộ một mình, hãy nhắn tin cho bạn bè hoặc người nhà về lộ trình của bạn và nhờ họ kiểm tra để chắc chắn bạn đã về nhà an toàn.
Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ như ứng dụng Tìm (Find My) để cho phép người thân/bạn bè theo dõi vị trí của bạn.
3. Để tai nghe ở nhà
Paulvin nói khuyên khi đi bộ bạn nên mang theo điện thoại nhưng không nên dùng tai nghe để nghe nhạc.
Vì tầm nhìn của bạn bị hạn chế trong bóng tối nên bạn cần để những giác quan còn lại của mình hoạt động tốt nhất.
Ngoài ra, việc không sử dụng podcast hoặc âm nhạc sẽ đảm bảo tránh để những thứ bạn nghe sẽ đọng lại trong đầu bạn khi đi ngủ.
4. Kết thúc chuyến đi bộ trước giờ đi ngủ ít nhất 90 phút
Paulvin không khuyên bạn nên đi bộ ngay trước giờ đi ngủ.
Dựa trên nghiên cứu, BS Paulvin khuyên bạn nên kết thúc chuyến đi bộ trước giờ đi ngủ ít nhất 90 phút.
Nhiệt độ cơ thể cốt lõi của bạn tăng lên khi tập thể dục và phải mất khoảng 90 phút để nhiệt độ của bạn trở lại mức ban đầu.
Hãy để bản thân có nhiều thời gian để tắm, chuẩn bị đi ngủ và đọc sách trước giờ đi ngủ. Tránh ánh sáng mạnh, chói, tránh xem các chương trình truyền hình hoặc phim ảnh gây kích thích.
>>> Nghiên cứu mới: Đi bộ ở tốc độ này có thể giúp bạn sống lâu hơn
(Theo Fortune)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Đi bộ buổi tối có thể giúp ngủ ngon hơn: 4 mẹo để tăng tối đa lợi ích tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].