Trên thế giới có nhiều hòn đảo độc đáo là nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã, trong đó có Hòn đảo Thỏ, hay còn gọi là Usaga Jima ở Okunoshima, Nhật Bản.
Đây là một hòn đảo nhỏ nằm trong biển nội địa của Nhật Bản tại thành phố Takehara, tỉnh Hiroshima, nơi có hàng ngàn chú thỏ tự do chạy nhảy và chơi đùa cùng du khách.
Đến nay, nguồn gốc những chú thỏ này vẫn còn là một bí ẩn, tuy nhiên nhiều người tin rằng chúng được đưa đến đây trùng với giai đoạn quân đội Nhật bí mật sản xuất hơn 6.000 tấn khí độc ở Okunoshima từ năm 1929 đến năm 1945.
Nơi đây được chọn vì vị trí kín đáo, xa khu dân cư sinh sống. Thời điểm đó, một đàn thỏ không may mắn đã được đưa đến hòn đảo này để kiểm định tác dụng của chất độc.
Có một giả thuyết là những chú thỏ sống trên đảo ngày nay là hậu duệ của đàn thỏ thí nghiệm được các công nhân giải phóng khi chiến tranh kết thúc.
Dù vậy, lý luận này khiến nhiều người nghi ngờ vì theo báo cáo, toàn bộ đàn thỏ đã bị tiêu hủy khi nhà máy ngừng sản xuất.
Một giả thuyết khác là 8 chú thỏ được các em học sinh mang đến hòn đảo này vào năm 1971 rồi sinh sôi nảy nở lên tới hàng ngàn con như bây giờ.
Và vì nơi đây hoàn toàn không có bất kỳ loài động vật ăn thịt nào, thậm chí chó mèo cũng bị cấm, số lượng loài thỏ không có dấu hiệu suy giảm.
Để đến được hòn đảo này, du khách chỉ phải đi một chuyến phà ngắn từ đất liền, vì vậy nơi đây trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng với một sân golf nhỏ, những khu cắm trại và bãi biển đẹp.
Ngoài ra, du khách có thể đến thăm những cơ sở nhà máy sản xuất khí độc ngày trước cùng tàn dư của các căn cứ quân sự rải rác trên hòn đảo.
Mỗi năm, có tới hàng trăm nghìn người đến với hòn đảo này để vuốt ve và cho thỏ ăn.
Cùng Gia Đình Mới chiêm ngưỡng một số hình ảnh của hòn đảo độc đáo và đáng yêu này.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Đến thăm Hòn đảo Thỏ ở Okunoshima, Nhật Bản, nơi ẩn chứa nhiều bí ẩn ly kỳ tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].