Trong nhiều hội nhóm mẹ bỉm sữa ở các trang mạng xã hội, chị em thường mách nhau rằng, uống nước dừa trong thai kỳ giúp em bé ra đời được sạch sẽ, hồng hào và trắng trẻo hơn, ít mắc các bệnh về da và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Hồ Thu Thủy - Phó phụ trách khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho hay uống nhiều nước dừa lại không tốt cho đường huyết của các mẹ, làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kì, ngoài ra chưa có bất kì nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của nước dừa với thai nhi. Hoa quả được khuyến khích nên dùng cả múi cả miếng để cung cấp thêm chất xơ cho cơ thể.
"Nước dừa chứa một loạt các dưỡng chất nổi bật như vitamin A, E, canxi, kali, clorua,… rất cần thiết để cải thiện sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên lượng đường trong nước dừa tương đối cao. Do đó, nếu chị em uống nước dừa liên tục và kéo dài có thể dẫn tới bị dư ối, đa ối, bị tiểu đường thai kỳ".
Theo bác sĩ Hồ Thu Thủy, tiểu đường thai kỳ là bệnh lý rối loạn chuyển hoá thường gặp nhất trong thai kỳ, ảnh hưởng không nhỏ tới cả mẹ và bé.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng glucose huyết tương chẩn đoán lần đầu tiên trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và không có bằng chứng đái tháo đường type I hoặc Type II trước đó.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ là: Thừa cân, béo phì;Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường; Người có tiền sử sinh con lớn hơn 4kg; Phụ nữ trên 35 tuổi mới sinh con...
Về nguyên nhân gây Tiểu đường thai kỳ, bác sĩ Thủy cho hay, thông thường sau bữa ăn, tuyến tụy sẽ tạo ra loại hormone có tên Insulin, giúp vận chuyển lượng đường vào các tế bào để nuôi dưỡng các tế bào cũng như làm giảm lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, với các bà bầu, do trong thời kỳ mang thai, nhau thai là cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé sẽ tiết ra các hormone để duy trì thai nghén. Nhưng các hormone này lại làm cơ thể các mẹ tăng tình trạng đề kháng Insulin dẫn đến nhu cầu Insulin của các mẹ cũng tăng cao, trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thủy cũng lưu ý, một số quan niệm tự phát của các mẹ khi mang bầu cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến các bà bầu bị Tiểu đường thai kỳ.
Ví dụ như các mẹ khi mang thai thường có xu hướng bổ sung rất nhiều chất dinh dưỡng, bổ dung các loại thực phẩm cao năng lượng nhằm mục đích để em bé to và khỏe mạnh. Tuy nhiên điều đó có thể dẫn đến quá dư thừa năng lượng, dư thừa lượng đường làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về chuyển hóa đường, chuyển hóa mỡ…
Nhiều mẹ cho rằng khi mang thai nên ăn vặt để bổ sung dinh dưỡng, nhưng chính sự phân bổ bữa ăn không hợp lý, ăn ít vào bữa chính, ăn nhiều bữa phụ hay thói quen ăn vặt cũng khiến đường huyết kiểm soát không tốt.
Để phòng chống Tiểu đường thai kỳ, phụ nữ có thai (đặc biệt các thai phụ có nguy cơ cao như đã sinh con trên 3,5 kg, trên 30 tuổi, thừa cân, béo phì)… cần điều chỉnh lối sống. Nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh, có chế độ ăn uống hợp lý, và hoạt động thể chất phù hợp khoảng 30 phút mỗi ngày.
Thai phụ cần được tư vấn về dinh dưỡng để giúp cho họ chọn đúng về số lượng và chất lượng thực phẩm: Biết cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh, để hạn chế sự tăng cân quá mức và phòng đái tháo đường thai kỳ.
Kiểm soát sự tăng cân trong thai kỳ: Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi, tăng cân của người mẹ lúc mang thai phụ thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai. Tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI) trước khi có thai của người mẹ, phụ nữ có thai cần có mức tăng cân hợp lý.