Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng như:
Cấp, đổi, cấp lại thẻ trong thời hạn 7 ngày làm việc; Bỏ vân tay trên thẻ căn cước công dân; Lược bỏ vân tay và sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an".
Bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.
Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.
Với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh, thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.
Với công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên, cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Bổ sung quy định về căn cước công dân điện tử; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng căn cước công dân điện tử để giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công.
Dự thảo cũng đề xuất tăng cường quản lý và bảo vệ thông tin cá nhân của công dân, bao gồm việc giám sát và đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân được lưu trữ trên hệ thống quản lý căn cước công dân.
Đặc biệt, về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi đề xuất theo hướng Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ trên.
An AnBạn đang xem bài viết Đề xuất sử dụng Chứng minh nhân dân đến hết năm 2024 tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].