Thay đổi nhiều nội dung trên thẻ Căn cước công dân mới
Các thông tin khác trên thẻ Căn cước công dân được dự kiến thay đổi như sau:
- “Số thẻ Căn cước công dân” được thay bằng “Số định danh cá nhân”: Trước đây, theo khoản 9 Điều 19 của Luật Căn cước công dân 2014, số thẻ Căn cước dân chính là số định danh cá nhân. Do đó, thực chất dự thảo mới chỉ thay tên gọi, còn số Căn cước công dân của công dân vẫn được giữ nguyên như trước đây.
- “Quê quán” thay bằng “Nơi đăng ký khai sinh”: Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh. Sắp tới, thông tin này dự kiến sẽ được thay bằng “nơi đăng ký khai sinh” của công dân, giúp dễ dàng xác định hơn.
- “Nơi thường trú” thay bằng “Nơi cư trú”: Trong đó, “nơi cư trú” được hiểu là nơi thường trú và nơi tạm trú. Điều này đồng nghĩa với việc dự thảo Luật Căn cước công dân đã ghi nhận cả nơi tạm trú của công dân có thể được in trên thẻ Căn cước công dân, nhằm giải quyết vấn đề công dân không có nơi đăng ký thường trú.
- Họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ thay bằng “Nơi cấp: Bộ Công an”. Hiện nay nơi cấp thẻ Căn cước công dân là “Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội” nhưng công dân thường gặp khó khăn trong việc xác định nơi cấp Căn cước công dân để điền thông tin vào các loại giấy tờ cần thiết, bởi thông tin này không thể hiện rõ trên thẻ mà chỉ có thể xác định gián tiếp thông qua chức danh của người cấp thẻ.
Dự thảo đề xuất Nơi cấp Căn cước công dân là Bộ Công an một cách rõ ràng, ngắn gọn, giúp thuận tiện hơn cho người dân.
- Trên thẻ sẽ không còn vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ, tuy nhiên trong quá trình làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ công an vẫn sẽ phải thu thập vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Thông tin này không còn được lưu trên thẻ mà được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước để đối chiếu, nhận dạng khi cần.
Ngoài ra, khác so với hiện nay, các thông tin trên thẻ Căn cước công dân sắp tới sẽ được mã hóa, phục vụ cho việc đồng bộ thông tin trên Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Người dân có cần đi đổi sang mẫu thẻ mới?
Hiện nay, dự thảo Luật Căn cước công dân mới được công bố và lấy ý kiến. Nếu dự thảo này được thông qua, sẽ có văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Công an. Trong đó, Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư cụ thể về mẫu thẻ Căn cước công dân mới.
Tuy nhiên, có thể thấy, khi đổi sang mẫu mới, thì người dân đang sử dụng Căn cước công dân mẫu cũ (dù là mã vạch hay gắn chip) cũng không cần phải đi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ.
Bởi, chỉ các trường hợp sau người dân mới cần làm thủ tục đổi thẻ: Đủ 14, 25, 40 và 60 tuổi; Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng sinh; Xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của luật; Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân; Thu hồi số định danh cá nhân; Thay đổi nơi thường trú; Khi công dân có yêu cầu.
Trong các trường hợp sau phải làm thủ tục cấp lại thẻ: Bị mất thẻ Căn cước công dân; Được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo này cũng không có nội dung nào quy định về việc công dân đang sử dụng thẻ Căn cước công dân theo mẫu cũ phải đi làm lại thẻ.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thẻ căn cước công dân sắp đổi mẫu, 5 thông tin có thể sẽ thay đổi tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].