Thịt gà từ lâu đã trở thành loại thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm hằng ngày bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Bên cạnh những lợi ích cho sức khỏe, nhiều người cũng băn khoăn về tác động của thịt gà đối với xương khớp. Hãy cùng tìm hiểu liệu đau xương khớp có ăn được thịt gà không qua bài viết sau nhé!
Thịt gà là gì?
Thịt gà tương đối ít calo và chất béo so với các loại thịt khác, chúng được chia làm nhiều loại tùy thuộc vào các bộ phận, mỗi loại sẽ cung cấp một lượng calo khác nhau từ protein đến chất béo. Lượng calo theo các vị trí khác nhau của thịt gà như sau:
- Ức gà: 165 calo/100g - 80% từ protein và chỉ 20% đến từ chất béo.
- Đùi gà: 209 calo/100g - 53% đến từ protein và 47% đến từ chất béo.
- Cánh gà: 203 calo/100g - 64% từ protein và 36% từ chất béo.
- Má đùi gà: 172 calo/100g - 70% đến từ protein và 30% đến từ chất béo.
Do vậy, tùy theo nhu cầu sử dụng hay sở thích cá nhân mà có thể lựa chọn các loại thịt gà cho phù hợp.
1 Thành phần dinh dưỡng có trong thịt gà
Thịt gà được biết đến bởi hương vị thơm ngon cùng thành phần dinh dưỡng cao, bao gồm:
- Protein: Thịt gà chứa một lượng protein dồi dào giúp xây dựng và duy trì cơ bắp. Đồng thời còn có tác dụng hỗ trợ chức năng xương khớp và giữ cho hệ thống mạch máu khỏe mạnh.
- Vitamin B: Một lượng lớn vitamin nhóm B có trong thịt gà tham gia vào quá trình bảo vệ xương khớp, tăng nồng độ cholesterol tốt, ổn định hệ thống thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch và rất cần thiết cho quá trình sản xuất hormone.
- Sắt: Ức gà chứa hàm lượng sắt cao, chiếm 14% hàm lượng cần thiết mỗi ngày. Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành huyết sắc tố, giúp mang oxy đến tế bào hồng cầu để nuôi dưỡng hệ cơ xương khớp.
- Acid béo: Thịt gà là một nguồn cung cấp omega 3 và omega 6 dồi dào giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính như viêm xương khớp, thoái hóa khớp, bệnh tim mạch, hen suyễn và vảy nến.
- Selen: Là khoáng chất cần thiết cho cơ thể có trong thịt gà, hỗ trợ điều trị viêm đau khớp, viêm mãn tính và xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Thịt gà là một món ăn bổ dưỡng với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào
2 Đau xương khớp có ăn được thịt gà không?
Theo quan niệm xưa cho rằng người bị đau xương khớp nên kiêng ăn thịt gà vì nó có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau nhức và tình trạng viêm xương khớp. Tuy nhiên quan niệm này đã bị bác bỏ bởi các chuyên gia dinh dưỡng hiện đại.
Theo các chuyên gia ngày nay, thịt gà không gây hại cho người bị xương khớp mà nó còn là một nguồn acid amin tuyệt vời, có thể sử dụng hằng ngày mà không gây đau, khó chịu hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thịt gà chứa lượng protein dồi dào, giúp duy trì và thúc đẩy mật độ khoáng của xương, giảm nguy cơ chấn thương và ngăn ngừa các bệnh lý về xương khớp như loãng xương.
Bên cạnh đó thịt gà chứa glucosamine giúp tăng cường chất nhờn bôi trơn sụn khớp, bảo vệ sụn khớp, tránh tình trạng ma sát quá mức gây mòn khớp, biến dạng khớp. Vì vậy, người mắc bệnh xương khớp có thể ăn thịt gà mà không cần lo lắng bệnh sẽ ngày càng nặng hơn.
Hàm lượng protein cao trong thịt gà giúp duy trì và bảo vệ sức khoẻ xương
3 Lợi ích của thịt gà đối với xương khớp
Giúp xương và cơ bắp chắc khỏe
Protein nạc trong thịt gà cung cấp một lượng lớn acid amin - thành phần chính cấu tạo nên các mô cơ, giúp xây dựng cơ bắp chắc khỏe và giảm các nguy cơ chấn thương.
Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng protein cao sẽ giúp duy trì mật độ khoáng của xương. Do vậy, ăn thịt gà sẽ góp phần thúc đẩy sức khỏe xương khớp và ngăn ngừa các bệnh như loãng xương.
Thịt gà giúp thúc đẩy sức khỏe xương khớp và xây dựng cơ bắp chắc khỏe
Kiểm soát cân nặng của cơ thể
Thịt gà là thực phẩm hỗ trợ giảm cân và duy trì cân nặng do chứa lượng lớn protein – dưỡng chất giúp tạo cảm giác no lâu, hạn chế cơn thèm ăn từ đó hỗ trợ kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe xương, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Ở bệnh nhân béo phì, lượng mỡ được tạo ra nhiều hơn bằng cách gây tổn hại đến quá trình tạo xương, bao gồm tăng cường tái hấp thu xương và giảm khối lượng xương.
Do đó, việc quản lý cân nặng là rất cần thiết ở những người mắc bệnh xương khớp.
Thịt gà hỗ trợ giảm cân và kiểm soát cân nặng, giúp làm giảm yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến xương khớp
Cung cấp vitamin B12
Thịt gà cung cấp một lượng lớn vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12 - một vitamin góp phần duy trì sức khỏe xương khớp. Nghiên cứu năm 2021 chỉ ra rằng nồng độ vitamin B12 thấp có liên hệ với tình trạng xương kém và làm tăng nguy cơ loãng xương hoặc gãy xương.
Vitamin B12 có trong thịt gà góp phần bảo vệ sức khỏe xương khớp
4 Những lưu ý về chế độ ăn thịt gà cho những người bị đau xương khớp
Bộ phận thịt nên sử dụng
Ức gà là bộ phận cung cấp nguồn protein dồi dào nhưng ít chất béo. Điều này đặc biệt có lợi trong việc hỗ trợ giảm cân và sức khỏe xương khớp.
Ngoài ra, trong ức gà còn chứa nhiều phospho - một chất có lợi cho răng và xương. Do vậy, sử dụng ức gà sẽ có lợi hơn cho bệnh nhân đau xương khớp bằng cách sử dụng một lượng vừa đủ phù hợp với thể trạng cơ thể và lượng calo cho phép mỗi ngày.
Ức gà cung cấp lượng protein dồi dào, có lợi cho sức khoẻ xương
Ăn thịt gà với lượng phù hợp
Theo USDA khuyến nghị giới hạn khẩu phần ăn thịt gà ở mức từ 57 - 184 g protein mỗi ngày, tuy nhiên ở những người hoạt động thể chất có thể cần cung cấp nhiều hơn mức đó.
Nên ăn thịt gà với lượng khuyến cáo mỗi ngày phù hợp với thể trạng cơ thể
Không sử dụng nội tạng gà
Nội tạng gà như gan, tim, phổi, ruột là các bộ phần có chứa nhiều purin và chất béo, các chất này có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng đau nhức xương khớp.
Sử dụng nội tạng gà có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau nhức xương khớp
Không ăn phần đùi và da gà
Đùi gà và da gà chứa hàm lượng chất béo cao cùng lượng calo dồi dào sẽ dễ dẫn đến tăng cân, đồng thời gia tăng áp lực lên khớp, khiến tình trạng đau nhức trở nên trầm trọng hơn.
Do vậy, ở những bệnh nhân đau xương khớp cần hạn chế việc tiêu thụ đùi gà và da gà, thay vào đó nên ưu tiên các bộ phận khác như ức gà và kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý.
Bệnh nhân đau xương khớp nên hạn chế ăn da gà
Chỉ nên ăn thịt gà hấp hoặc luộc
Bên cạnh đó, nên sử dụng thịt gà hấp hoặc luộc thay cho các món chiên, rán nhiều dầu mỡ để hạn chế lượng chất béo nạp vào, làm giảm nguy cơ đau xương khớp do tăng cân.
Hơn nữa, khi chế biến thịt gà bằng cách chiên, rán, nướng hay quay trên lửa ở nhiệt độ cao sẽ làm tăng nguy cơ sinh ra các sản phẩm glycat hóa bền vững (AGEs). AGEs gây ảnh hưởng lớn đến cấp độ tế bào và phân tử, làm tổn thương các mô lành, bao gồm cả mô xương khớp khiến những cơn đau xương khớp trở nên trầm trọng hơn.
Nên ăn thịt gà hấp hoặc luộc để hạn chế chất béo nạp vào cơ thể, làm giảm nguy cơ đau xương khớp
Kết hợp thịt gà với các loại thực phẩm khác
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh và hợp lý là rất cần thiết ở những bệnh nhân đau xương khớp. Do vậy, khi sử dụng thịt gà bạn có thể kết hợp thêm các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe xương khớp như:
- Các loại cá béo như cá hồi, cá thu,...
- Dầu ô liu.
- Các loại rau xanh như súp lơ xanh, rau chân vịt, cải kale,...
- Trái cây mọng như việt quất, mơ, nho, mâm xôi,...
- Gia vị tự nhiên như gừng, tỏi, hành, nghệ,...
Cách chế biến thịt gà cho người đau nhức xương khớp
Biết cách chế biến thịt gà phù hợp sẽ làm tăng hương vị món ăn, đồng thời góp phần kiểm soát cơn đau nhức xương khớp.
Đầu tiên, cần bỏ đi phần da gà và nội tạng, đây là những bộ phận chứa nhiều purin và chất béo không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt ở những người đau xương khớp hay gout.
Chế biến thịt gà bằng cách nhiệt ẩm (đun sôi) như luộc, hầm hoặc nhiệt khô (nướng) để làm giảm lượng purin tổng thể, hạn chế các tác động tiêu cực đến sức khoẻ. Tuy nhiên, cần chú ý điều chỉnh nhiệt độ khi nướng tránh làm thịt gà cháy, khét sản sinh ra các chất có hại cho sức khỏe.
Đồng thời, lượng purin trong thịt gà còn phụ thuộc vào nhiệt độ và thời gian bảo quản chúng. Do vậy, hãy sử dụng thịt gà ngay sau khi chế biến, tránh bảo quản chúng ở nhiệt độ thấp (trong tủ đông) trong một thời gian dài.
Ngoài ra, nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về việc đau xương khớp có ăn được thịt gà không, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp và hướng dẫn cụ thể.
Xem thêm:
- Uống nước gì tốt cho xương khớp? 8 loại đồ uống giúp xương chắc khỏe
- Đau xương khớp kiêng ăn gì? 12 thực phẩm nên tránh khi đau khớp
- Đau xương khớp có ăn được thịt bò không? Lưu ý khi sử dụng thịt bò
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc liên quan đến việc “đau xương khớp có ăn được thịt gà không” và những lưu ý khi sử dụng loại thịt này ở những bệnh nhân bị đau xương khớp. Nếu thấy hữu ích, hãy chia sẻ bài viết này để mọi người cùng biết nhé!
Bạn đang xem bài viết Đau xương khớp có ăn được thịt gà không? tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].