Hiện nay, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh chóng và có nguy cơ để lại di chứng cho mắt.
Theo báo cáo của CDC Thừa Thiên Huế, bệnh lây lan chủ yếu trong học sinh và phụ huynh, hiện trên toàn tỉnh ghi nhận hơn 16.000 bệnh nhân đi khám do viêm kết mạc.
Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ, hay viêm kết mạc cấp.
1. Viêm kết mạc là gì?
Viêm kết mạc xảy ra khi lớp màng trong suốt bên trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng của mắt) cùng với kết mạc mi bị viêm nhiễm do một nguyên nhân nào đó. Bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa.
Viêm kết mạc mắt có thể gây khó chịu, ít biến chứng nếu đi điều trị sớm. Bệnh rất dễ lây lan nên việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.
2. Nguyên nhân
Viêm kết mạc có thể do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó thường gặp phải là: do virus, vi khuẩn và do dị ứng mắt. Trong đó, virus là nguyên nhân phổ biến nhất.
3. Triệu chứng
- Đỏ mắt: là triệu chứng điển hình của viêm kết mạc
- Chảy ghèn
- Phù mi mắt, chảy nước mắt và kích ứng mắt.
- Xuất huyết kết mạc thường do Enterovirus.
- Giả mạc ở kết mạc sụn mi: lớp màng trắng xám bám vào mặt trong mi dưới
- Bệnh nhân có thể giảm thị lực, sợ ánh sáng, cộm xốn và cảm giác có màn sương che trước mắt khi tổn thương đi vào giác mạc (viêm giác mạc) hay gặp với nguyên nhân Adenovirus.
4. Cách thức lây lan
- Tiếp xúc với các chất tiết ở đường hô hấp trên từ người bị nhiễm bệnh.
- Tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm bẩn (ví dụ: khăn, gối, mền, đồ chơi…)
- Lây lan có từ không khí hoặc nước (ví dụ: mắc phải trong khi bơi ở hồ hoặc ở bể bơi).
5. Điều trị
Việc điều trị chủ yếu là nâng cao thể trạng, vệ sinh mắt, phòng tránh lây nhiễm và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ Mắt theo từng trường hợp cụ thể.
Không tự ý dùng các thuốc có chứa thành phần corticoid (như Dexamethasone, Fluometholon, Prednisolon…)
Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do virus đều nhẹ và sẽ tự khỏi sau 7 - 14 ngày mà không cần điều trị mà không để lại di chứng. Tuy nhiên cũng có trường hợp nghiêm trọng mất từ 2 - 3 tuần trở lên.
6. Dự phòng
- Sử dụng chất khử trùng tay và rửa tay kỹ sau khi chạm vào mắt hoặc dịch tiết mũi
- Tránh chạm vào mắt lành sau khi chạm vào mắt bị nhiễm trùng.
- Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân.
- Vệ sinh mắt, làm sạch tiết tố của mắt. Trẻ nhỏ bị viêm kết mạc nên được nghỉ học ở nhà để tránh lây nhiễm.
- Không nên tự mua thuốc về tra.
Theo: Trung tâm Mắt - Bệnh viện Trung ương Huế
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? Tất tần tật những điều cần biết về đau mắt đỏ tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].