Cắt lại khối ung thư dạ dày giai đoạn muộn kéo dài tuổi thọ người bệnh
Bà N.T.Đ. (64 tuổi, ở Quảng Ninh) được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày từ tháng 7/2019. Thời điểm đó, bệnh nhân được phẫu thuật nối vị tràng mà không thể loại bỏ khối ung thư ngay lập tức, kết hợp điều trị hóa chất bằng đường truyền và đường uống.
Khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân xuất hiện đầy chướng thượng vị sau ăn, có dấu hiệu nôn, mệt mỏi nên đã đến BV Bãi Cháy để thăm khám.
Sau khi khai thác tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng cho người bệnh, các bác sĩ đã hội chẩn kết luận ung thư dạ dày tái phát tiến triển hẹp miệng nối vị tràng.
Bệnh nhân được nuôi dưỡng tĩnh mạch, làm các thăm dò chẩn đoán, lên kế hoạch phẫu thuật mở ổ bụng thăm dò, xét cắt dạ dày, vét hạch để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Quá trình mở ổ bụng thăm dò, các bác sĩ phát hiện dạ dày nối vị tràng trước đại tràng ngang có khối u thâm nhiễm cứng từ bờ cong lớn đến thân vị, lan rộng, cụ thể: ở mặt sau, đã qua lớp thanh mạc xâm lấn phúc mạc mặt trước vùng đầu tuỵ, mặt trước u đã xâm lấn thành bụng. Miệng nối vị tràng hẹp khít do khối u tiến triển xâm lấn, ứ đọng dịch tiêu hoá.
Phẫu thuật viên đã phẫu tích cắt toàn bộ dạ dày kèm u dù quá trình gỡ dính đầu tuỵ khỏi diện cắt mỏm tá tràng rất khó khăn do khối u xâm lấn, vét hạch hệ thống, cắt túi mật, làm miệng nối thực quản – hỗng tràng, cầm máu diện phẫu tích thành công. Diện phẫu thuật đảm bảo âm tính về mặt ung thư.
Sau chăm sóc, điều trị hậu phẫu tích cực trong 10 ngày, thể trạng bệnh nhân đã cải thiện, sức khỏe ổn định và được xuất viện, tiếp tục được lên kế hoạch điều trị hóa chất hậu phẫu.
4 biến chứng nguy hiểm của ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, nguy hiểm với tỷ lệ gây tử vong cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, ung thư xâm lấn, di căn nhiều tạng trong cơ thể.
Theo ThS.BS Hoàng Văn Chải – Khoa Ung bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy, những biến chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn bao gồm:
- Chảy máu tiêu hóa
- Thủng dạ dày
- Hẹp môn vị,
- Di căn vào tụy, gan, lá lách, phổi,...
Người bị ung thư dạ dày có thể tử vong do sức khỏe suy kiệt hoặc do bị một số di chứng trên.
Vì vậy, những ca phẫu thuật ung thư dạ dày rất phức tạp, độ khó cao, đặt ra thách thức cho phẫu thuật viên khi cùng lúc phải thực hiện nhiều phẫu thuật lớn trong một thì như cắt khối ung thư dạ dày, cắt các khối di căn của ung thư tại các bộ phận như lách, tụy…
Nguy cơ biến chứng chảy máu, do phẫu tích đối với các tạng có nhiều mạch máu lớn, rò bục miệng nối, rò tụy, nhiễm trùng trong và sau mổ...
Đặc biệt, đối với trường hợp bệnh nhân N.T.Đ. nói trên, việc có thể cắt lại khối ung thư dạ dày ở lần phẫu thuật thứ 2 đã giúp bệnh nhân giải quyết được vấn đề dinh dưỡng để có sức chống chọi với căn bệnh, lấy triệt để khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tiếp tục điều trị hóa chất, xạ trị để kéo dài tuổi thọ.
Với những người bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm (tế bào ung thư mới nằm ở lớp niêm mạc dạ dày) nếu được phát hiện và điều trị phù hợp thì tỉ lệ bệnh nhân có thể sống thêm khoảng 5 năm lên đến 90%, 10 năm là 70%.
Người bệnh ung thư có thể lựa chọn điều trị phương pháp nội soi can thiệp cắt hớt niêm mạc dạ dày ESD. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư phát triển mạnh đã lan rộng, xâm lấn ra các vùng xung quanh, di căn vào hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết và các cơ quan nên không chỉ điều trị bằng một mà phải kết hợp nhiều phương pháp (gồm phẫu thuật, hóa chất, xạ trị).
Do đó, việc phát hiện sớm bệnh là vô cùng quan trọng quyết định hiệu quả điều trị, cơ hội kéo dài sự sống, tránh đau đớn, gánh nặng điều trị cho bệnh nhân ung thư dạ dày.
Để phát hiện sớm ung thư dạ dày, bác sĩ khuyến cáo, người dân trên 40 tuổi nên định kỳ khám sức khỏe, nội soi dạ dày, đại trực tràng để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Đặc biệt chú ý đến các biểu hiện bất thường – dấu hiệu của ung thư dạ dày như sụt cân bất thường, đau bụng, chán ăn, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…
An AnBạn đang xem bài viết 4 biến chứng nguy hiểm của ung thư dạ dày, làm thế nào để phát hiện sớm bệnh? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].