Da toàn thân chảy mủ, suy thận vì chữa vẩy nến bằng ‘thuốc lạ’

Sau nửa tháng uống ‘thuốc lạ’ chữa vẩy nến, anh Vũ Chí C. (39 tuổi, ở Hà Nội) phải đi cấp cứu trong tình trạng da toàn thân bị chảy mủ, bong tróc như bóng bì, men gan tăng cao, suy thận và giờ anh phải chạy thận mỗi tuần 3 lần.

benh-vay-nen2

Điều trị bệnh vẩy nến không đúng cách sẽ làm bệnh tiến triển nặng, lan ra toàn thân 

‘Tiền mất tật mang’ vì thuốc không rõ nguồn gốc

Anh Vũ Chí C. phát hiện bị bệnh vẩy nến cách đây 16 năm, lúc đầu chỉ là những nốt ngứa ở cổ và đầu, sau lan ra toàn thân.

Những nốt ngứa và mảng da bong tróc xấu xí ngày càng nhiều làm anh C. tự ti khi giao tiếp với mọi người, nhiều người còn tỏ ra xa lánh vì tâm lý ‘sợ lây bệnh’.

Với tâm lý ‘có bệnh thì vái tứ phương’ nên anh C. đã nghe theo lời mách bảo của bạn bè, mua ‘thuốc lạ’ dạng bột từ một thầy lang ở Thái Bình về điều trị bệnh.

Liệu trình thuốc mà thầy lang kê cho anh C. phải điều trị trong vòng 1 tháng, nhưng anh mới uống được 6 thìa thuốc thì bệnh phát nặng, da toàn thân chảy mủ, bong tróc và phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cả tháng trời.

Nhớ lại thời điểm phải cấp cứu vì uống ‘thuốc lạ’ anh C. cho biết ‘được người quen giới thiệu nên tôi tin tưởng và điều trị theo, nhưng thật không ngờ bệnh vẩy nến còn bị nặng hơn, đã thế còn thêm bệnh vào người.

Thời điểm vào cấp cứu bác sĩ bảo men gan của tôi tăng rất cao, thận bị suy. Đến bây giờ tôi đang phải chạy thận 3 lần mỗi tuần chỉ vì 6 thìa thuốc nhỏ’.

Thấm thía nỗi khổ ‘tiền mất tật mang’ do tự ý chữa bệnh không theo hướng dẫn của thầy thuốc, anh C. khuyên những người bị bệnh vẩy nến nên tìm đến những cơ sở khám chữa bệnh uy tín, dùng thuốc có nguồn gốc rõ ràng để không nguy hại đến sức khỏe.

benh-vay-nen3

 Bệnh vẩy nến không thể chữa khỏi mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng, giúp bệnh ổn định lâu dài

Bệnh vẩy nến không thể điều trị khỏi và gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Anh Trần Hồng Trường hiện đang là Chủ tịch Chi hội vẩy nến Việt Nam, đồng thời cũng là một người đã vật lộn chiến đấu với bệnh vảy nến 28 năm nay cho biết, ‘người bị bệnh vẩy nến phải biết rằng, bệnh này không thể chữa khỏi, các phương pháp chữa bệnh chỉ giúp bệnh ổn định’.

Do đó, người bệnh đừng bao giờ tin vào những lời quảng cáo chữa khỏi vẩy nến. Anh Trường cũng chia sẻ thêm, ‘căn bệnh vẩy nến toàn thân nhìn sợ lắm, bị kỳ thị, bị chê bai. Có lẽ vì thế mà nhiều người chết trong sự kỳ thị của mọi người.

Hơn nữa, ‘tôi còn mắc khớp do vẩy nến, các khớp xương đau nhức, xưng to làm ngón tay không thể duỗi thẳng, chân đi lại tập tễnh’.

PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện, Bệnh viện Da liễu Trung ương đang quản lý khoảng hơn 2.000 bệnh nhân vảy nến.

Theo PGS Lê Hữu Doanh, bệnh vẩy nển không thể điều trị khỏi được, nhưng trên thực tế có không ít bệnh nhân khi mắc bệnh vảy nến thường nghe theo lời quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh vảy nến nên đã tự ý đi điều trị gây hậu quả nặng nề rồi mới chịu đến bệnh viện điều trị.

Việc điều trị bằng các phương pháp không chính thống khiến cho bệnh không những không khỏi mà còn làm bệnh nặng hơn, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Trong đó hay gặp nhất là ngộ độc do kim loại nặng, hay việc dùng các thuốc không có nguồn gốc, không được kiểm chứng dẫn đến suy thận, tăng men gan…

Hiện, Bệnh viện Da liễu Trung ương đang sử dụng phương pháp điều trị vẩy nến bằng UVB dải hẹp toàn thân cho những bệnh nhân thể bình thường.

Đây là phương pháp sử dụng tia tử ngoại UVB có bước sóng 313 ± 2nm, mới phát hiện và được coi là phương pháp ưu tiên trong điều trị vảy nến, bạch biến. Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân có thể ổn định bệnh trong thời gian khoảng 6 tháng.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng chống chỉ định với các bệnh nhân bị hội chứng nevi loạn sản di truyền, hội chứng ung thư tế bào đáy, bệnh lupus ban đỏ… 

benh-vay-nen4

PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (bên trái) đang chia sẻ với bệnh nhân vẩy nến cách phòng và điều trị đúng bệnh vẩy nến

Phòng ngừa bệnh vẩy nến thế nào?

Theo PGS Doanh, hiện nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ, có thể là liên quan đến gene, yếu tố môi trường, dị nguyên, vi khuẩn, virus…

Để bệnh không tiến triển nặng, gây khó khăn cho việc điều trị, khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường trên da, mọi người nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Mặc dù bệnh vẩy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát bệnh, giúp bệnh ổn định trong thời gian dài bằng một số biện pháp như tự điều chỉnh, cân bằng cuộc sống do bệnh vảy nến có liên quan đến chế độ sinh hoạt, stress, vấn đề tâm lý… 

Tránh căng thẳng thần kinh, sinh hoạt điều độ, hạn chế chất kích thích, tránh thức ăn nhiều đạm…

Thói quen sinh hoạt hằng ngày cần vệ sinh thân thể sạch sẽ giúp loại bỏ các vảy và da viêm.

Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng nước nóng và xà phòng có chất tẩy mạnh, vì có thể làm tăng các triệu chứng.

Nên tắm nước ấm, dùng dầu tắm riêng biệt và không nên tắm quá lâu. Sau khi tắm, thấm khô làn da sau đó dùng kem dưỡng ẩm.

Với thời tiết khô hanh mùa đông, cần chú ý chăm sóc da hơn nữa để bệnh không tái phát nặng, có thể cần phải sử dụng kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày.

Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất. Người bệnh cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trong việc sử dụng vitamin giúp tăng đề kháng cho cơ thể, các loại sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên để giảm ngứa, tránh tổn thương cho da…

Linh Nhi

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính