Nhưng, ngay lúc ấy, bản thân anh đang cảm thấy mình thổn thức và rơi lệ.
Paul Pugh đã bị chẩn đoán mắc phải một căn bệnh hiếm gặp: cười không kiểm soát.
Vụ tấn công định mệnh
Pugh, sinh năm 1979, đã thức trắng đêm để tụ tập cùng với các bạn cùng Câu lạc bộ Bóng đá Cwmaman và một ngày tháng 1/2007.
Khi rời quán rượu ở Ammanford (Carmarthenshire, phía Tây xứ Wales, Anh Quốc), anh vô cớ bị tấn công bởi một nhóm 4 người đàn ông lạ mặt. Họ vây quanh và liên tiếp đấm, đá vào người anh.
Cuộc tấn công tàn bạo đã khiến Pugh bị chấn thương sọ não và rơi vào tình trạng mê man trong hơn 2 tháng.
Khối máu tụ kích thước 10cm x 4cm trong não đã khiến anh không thể nói, mất sức khỏe mãn tính và liệt, dẫn đến việc anh phải dùng xe lăn.
Anh kể lại: ‘Tôi phải học cách đi bộ và nói chuyện lại với thực tế là tôi sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn.
Cuộc sống trở thành một cuộc đấu tranh cho tôi và gia đình, nhưng chúng tôi đang chiến đấu’.
Pugh đã trải qua 13 tháng trong bệnh viện, nhưng chỉ đến tháng thứ 4 mới có lần đầu tiên nở nụ cười.
Anh nói: ‘Đó là một cuộc họp nghiêm túc với chuyên gia tư vấn, các nhà trị liệu phục hồi chức năng và gia đình tôi.
Chúng tôi đang thảo luận về cuộc sống và tương lai của tôi như thế nào.
Khi họ bắt đầu nói về tôi, tôi đã rất sợ hãi. Nhưng tôi lại cười suốt cả buổi’.
‘Tôi thực sự là đang khóc, nhưng thể hiện ra ngoài mặt lại là cười’.
Đầu tiên, không ai hiểu cách cư xử ấy của Pugh.
Gia đình anh thậm chí còn nghĩ anh đã ‘diễn kịch trước mọi người, cố tình gây chú ý’.
Hoàn cảnh éo le này kéo dài vài năm, sau đó Pugh mới được chẩn đoán là ‘bị bệnh cười’, một căn bệnh có tên khoa học là Pseudobulbar Affect (PBA).
Tình trạng này xuất hiện do có sự mất kết nối giữa phần thùy trán của não – phần giữ vai trò kiểm soát cảm xúc – với phần tiểu não và cuống não – phần giữ vai trò thể hiện cảm xúc.
PBA có thể xuất hiện với những bệnh nhân có vấn đề về thần kinh, bị chấn thương như đột quỵ, chứng đa xơ cứng hoặc bệnh Alzheimer.
Andy Tyerman, nhà tư vấn tâm lý học về chấn thương sọ não của Headway nói: ‘Thuật ngữ này đề cập đến biểu hiện cảm xúc không kiểm soát được, không cân xứng hoặc không phù hợp với bối cảnh xã hội và có thể không phù hợp với cảm giác của người đó.
Một người có thể tỏ ra rất đau khổ về một cái gì đó mà trước đây họ chỉ hơi khó chịu’.
Trong trường hợp của Pugh, anh cười khi anh nghĩ anh đang khóc.
‘Tôi biết khi nào tôi đang cười hoặc đang khóc, nhưng người khác thì không’ – ông nói.
‘Một vài người đã thất vọng, châm chọ tôi hoặc thậm chí là gây hấn, cố gắng làm tôi tổn thương bởi vì họ nghĩ tôi đang cười nhạo họ.
Thật là thú vị khi hiểu nụ cười quan trọng đến thế nào. Bạn đã cười hàng tỷ lần, nhưng nó thực sự có tác động mạnh mẽ, như khi bạn chia sẻ một câu chuyện cười với một người đặc biệt’ – Pugh chia sẻ.
Pugh cho biết gia đình anh giờ đây đã rất thấu hiểu bệnh tình của anh.
Mẹ Pugh trở thành người chăm sóc anh, giúp đỡ anh vì anh vẫn gặp khó khăn khi di chuyển.
Cha anh, đã 72 tuổi, vẫn tiếp tục làm việc.
Các anh em của anh, Simon và Matthew – cả hai đều tham gia giúp đỡ để giúp anh vượt qua 10 năm khó khăn vừa qua.
Chiến đấu chống lại số phận
Căn bệnh PBA đã gây cho anh nhiều khó khăn, đôi khi là sự chú ý không mong muốn, tuy nhiên, từng bước anh đã kiểm soát được nó.
‘Tôi cảm thấy một cơn cười sắp đến, vài giây trước khi nó thực sự diễn ra.
Đôi khi tôi có thể kiểm soát nó, mặc dù vẫn có một tiếng blip bật ra.
Tình trạng này không kéo dài lâu, cùng lắm chỉ là 1 phút, nhưng nó có thể gây ra rất nhiều vấn đề nếu như mọi người không thấu hiểu’.
Pugh đã sử dụng chiến thuật riêng của mình để ngăn chặn một ‘nụ cười vô duyên’ bằng cách: nghĩ đến ai đó hoặc cái gì đó tồi tệ mà không để lộ ra.
Dần dần, anh đã kiểm soát được 9/10 những nụ cười không hợp cảnh.
Sau khi bị tấn công, Pugh cho rằng anh đã có ’10 năm cực kỳ khó khăn’
Anh phải bỏ công việc thợ điện, chỉ có thể ở nhà để trị liệu hoặc dành thời gian tham gia tổ chức từ thiện Headway Carmarthenshire.
Ở tổ chức này, anh có được sự cảm thông khi sống cùng những người cũng bị chấn thương não. Anh cảm thấy mình không đơn độc.
‘Từ khi tai nạn xảy ra, tôi đã gặp những người tuyệt vời nhất mà một người có thể gặp. Tất cả mọi người đều muốn giúp đỡ tôi’ – Pugh nói.
‘Ngược lại, tôi cảm thấy mình đang bị bó chân cầm tù ở nhà vì tai nạn trước đây khiến tôi mất khả năng vận động. Tôi cần có sự hỗ trợ mỗi khi muốn đi ra ngoài’.
Vào năm 2014, Pugh bắt đầu khởi động dự án Lời hứa của Paul - một chiến dịch giáo dục mọi người về bạo lực do rượu gây nên. Dự án này có sự tham gia của Cảnh sát địa phương.
Anh thăm viếng các trường học, các trường cao đẳng và các câu lạc bộ thanh thiếu niên và có các buổi nói chuyện giúp mọi người nhận thức được tác hại kinh khủng của rượu thông qua một câu chuyện, một số phận có thật.
‘Đây là cuộc sống của tôi, tôi vẫn tiến lên bất chấp điều gì đã xảy ra’ – anh nói.
Có rất nhiều điều tôi không thể làm – nhưng chiến dịch đó là điều tôi có thể.
Tôi nghĩ nó giúp truyền đi một thông điệp mạnh mẽ với thế giới. Tôi không muốn nhìn thấy bất cứ ai, không ai nữa rơi vào hoàn cảnh mà tôi và gia đình tôi đã rơi vào’.
Bốn người đàn ông đã tấn công Paul Pugh đã bị tống giam từ 9 tháng đến 4 năm.
Pugh nói: ‘Kẻ đã đá vào đầu tôi khiến tôi suýt tử vong, giờ cũng được ra tù rồi. Vậy còn tôi thì sao? 10 năm đã trôi qua, tôi vẫn đang phải mang cái án của cuộc đời mình’.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Cuộc chiến đấu của người đàn ông mắc căn bệnh éo le ‘cười mỗi khi muốn khóc’ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].