Trước đây, phẫu thuật khớp gối toàn phần thường chỉ định rất chặt chẽ, chỉ bệnh nhân ở giai đoạn muộn mới có thể tiến hành phẫu thuật. Vô hình chung, bệnh nhân trẻ tuổi với biến chứng nhẹ, tổn thương chưa nặng nề không thể tiếp cận điều trị khiến bệnh trở nặng, dễ gặp biến chứng nặng nề hơn.
Tuy nhiên, gần đây, y học nước ta tiến hành áp dụng phương pháp phẫu thuật bán toàn phần. Ở phương pháp này, những bệnh nhân có tổn thương chưa nhiều (chỉ ở một nửa của khớp) có cơ hội phục hồi hỏng hóc tốt hơn và tận dụng được những phần khớp còn tốt.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS TS Trần Trung Dũng – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Xanh – Pôn (kiêm Giảng viên Bộ môn Ngoại, trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, với đặc thù khí hậu, thói quen sinh hoạt… nên tỉ lệ người Việt gặp phải tình trạng thoái hóa khớp gối tương đối lớn. Điều đáng nói, số người mắc bệnh ngày một gia tăng và có tình trạng ngày càng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân chỉ khoảng hơn 30 tuổi.
Bác sĩ chia sẻ, thoái hóa khớp gối có thể xuất phát từ những nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát. Cụ thể, với nguyên phát, chất lượng xương hỏng do tuổi tác còn với bệnh thứ phát, người bệnh gặp biến chứng từ bệnh lý khác hoặc chấn thương làm khớp ảnh hưởng.
Theo bác sĩ, căn bệnh này mang lại nhiều phiền phức cho bệnh nhân, từ những cơn đau nhức khó chịu cản trở sinh hoạt, nếu phát hiện, điều trị muộn, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng vô cùng nặng nề. Điển hình, nhiều người không thể đi lại, biến dạng xương khớp gối, đau đớn không thể chịu đựng…
Phần lớn bệnh nhân đến viện điều trị khi đã ở giai đoạn muộn, điều đó kéo theo biến chứng nặng nề, chi phí điều trị cũng tốn kém. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, khi bệnh nhân có triệu chứng đau, khó chịu mơ hồ (dù không phải đau), nóng gắt xương khớp… cũng nên thăm khám, chẩn đoán sớm.
Ngoài ra, khi nắm rõ bệnh, nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân tìm cách chữa trị đúng. “Có những trường hợp có thể sử dụng đông y, cao… hỗ trợ tuy nhiên, có những trường hợp, phương pháp đó không hề có sự hiệu quả”, PGS TS Dũng chia sẻ.
Riêng về điều trị phẫu thuật, hiện nay, các phương pháp tái tạo xương khớp ngoài mục đích chính tái tạo giải phẫu mà còn giúp chức năng khớp gối, chi dưới nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
“Đa phần trước nay, ở Việt Nam chủ yếu thay khớp gối toàn phần, bởi vì điều kiện để có phương tiện bán phần chưa đạt đến và khớp bán phần có công nghệ chế tạo rất khác.
Khớp toàn phần chủ yếu thay cho những trường hợp gối hỏng nặng, hỏng toàn bộ vì vậy thường chỉ định mổ cho những bệnh nhân ở giai đoạn rất muộn của bệnh. Do vậy, bệnh nhân thường không đạt được biên độ gấp gối như bình thương (90 độ - 120 độ) mà chủ yếu giải quyết vấn đề đau và đi lại bình thường”, PGS TS Dũng cho hay.
Trong khi đó, thay khớp gối bán phần có thể chỉ định sớm hơn ở những bệnh nhân có tổn thương chưa nhiều (chỉ ở khoang trong - một nửa của khớp). Từ đó, bệnh nhân được phục hồi phần xương, khớp hỏng hóc tốt hơn cũng như tận dụng được những phần khớp còn tốt.
“Những phần còn tốt của khớp như dây chằng… giúp bệnh nhân đạt được biên độ gối gần như bình thường. Cùng với đó, khi tổn thương được giải quyết sớm thì những phần còn lại sẽ hỗ trợ chịu lực giúp kéo dài tuổi thọ và chức năng khớp gối” PGS TS Trần Trung Dũng nhấn mạnh.
Hồng Ngọc/GiaDinhMoiBạn đang xem bài viết Công nghệ phẫu thuật khớp gối mới giúp bệnh nhân giảm đau đớn và biến chứng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].