Theo PSG.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, giai đoạn mang thai 3 tháng đầu - tức là từ tuần thứ nhất đến tuần thứ 12 của thời kì mang thai, đó là giai đoạn nghén của nhiều bà mẹ.
Thời kì này, phôi thai sinh trưởng phát triển chậm, mỗi ngày tăng 1g, cuống rốn và cơ thể mẹ chưa có biến đổi rõ nét.
Tuy nhiên thời kì này là giai đoạn hình thành phôi và biệt hóa các tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Các cơ quan của thai nhi phân hóa hình thành, trong cơ thể người mẹ có sự biến đổi khác biệt so với lúc trước khi mang thai như:
– Các hooc-mon bắt đầu tăng lên, lượng estrogen cũng tăng lên. Progesterone là hooc-mon giới tính nữ có chức năng duy trì sự phát triển của thai nhi kích thích sự phát triển của bầu ngực và tuyến vú. Vùng da xung quanh hai đầu vú lớn và sậm hơn, bầu ngực cương và đau là những triệu chứng bình thường.
– Cơ thể bà mẹ mệt mỏi do sản xuất nhiều máu hơn để mang O2 và dưỡng chất cho thai nhi.
– Buồn nôn, nôn, nhạy cảm với mùi thức ăn, chỉ thích ăn một món nào đó do ảnh hưởng của sự bài tiết và nhân tố thần kinh. Ngoài ra, tính khí bất thường hay bần thần vào buổi sáng khi thức dậy. Hiện tượng này gọi là phản ứng do mang thai, có ảnh hưởng đến ăn uống, tiêu hóa và sự hấp thu của bà mẹ.
– Thay đổi về bầu ngực, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, đi tiểu nhiều lần, tăng bài tiết nước bọt, chán ăn hoặc thèm ăn.
-Có thể ra huyết hoặc chảy máu âm đạo trong thời kì này. Xuất hiện nút nhầy đóng nút ở đầu tử cung giúp ngăn ngừa mầm bệnh đi vào tử cung. Nút nhầy sẽ biến mất ở cuối kì thai.
– Cuối thời kì này, da hồng hơn, triệu chứng mệt mỏi vào buổi sáng, đi tiểu nhiều lần cũng giảm bớt.
Mặc dù 3 tháng đầu, bề ngoài cơ thể người mẹ chưa biến đổi nhiều nhưng bên trong cơ thể đã có sự thay đổi hết sức quan trọng trong một chu kì mang thai.
Vì thế khi mang thai giai đoạn đầu, các nội tiết tố trong cơ thể thay đổi làm bà mẹ lo lắng, hoảng sợ, nhiều triệu chứng khiến thai phụ khó chịu như buồn nôn và nôn, chán ăn, mệt mỏi, dễ bị kích thích…
Tuy nhiên, đây là những dấu hiệu bình thường của quá trình mang thai. Mẹ bầu cần bình tĩnh, giữ tâm trạng thoải mái và duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Điều này là rất cần thiết để thai nhi phát triển hoàn chỉnh và đảm bảo sức khỏe cho quá trình mang thai. Mục tiêu tăng cân trong giai đoạn này là từ 1 – 2kg.
L.MinhBạn đang xem bài viết Cơ thể mẹ bầu 3 tháng đầu sẽ biến đổi như thế nào? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].