Theo Pixie Turner, các thực đơn theo “trend”, công thức detox (thải độc) bản thân chúng cũng chỉ là thực phẩm, chúng không thể chữa trị một vấn đề sức khỏe hay ban tặng một cơ thể hoàn hảo. Điều quan trọng cần tìm hiểu là: cách mà cơ thể hấp thụ các thực phẩm đó.
#1: Detox chẳng phải là “phép màu” giải quyết được vô số vấn đề
Rất nhiều lần bạn đã nghe ai đó (trên Facebook) khoe về phép màu có được sau khi detox “toàn bộ cơ thể” hoặc “detox mùa xuân” hoặc “detox để có dáng chuẩn mùa hè”...
Nhưng thực sự những điều đó có căn cứ khoa học không?
Hãy bắt đầu bằng việc detox bằng nước hoa quả, công thức này đòi hỏi bạn phải uống nước quả và chỉ nước hoa quả trong nhiều ngày. Nước hoa quả yêu cầu phải tươi, hữu cơ, được ép lạnh và chắc chắn không phải là nước quả trong siêu thị.
Các chuyên gia sức khỏe (có thể là tự phong) nói với chúng ta rằng phương pháp này sẽ “cấp nước cho các tế bào” (nghe giống như là uống một cốc nước), “làm cho da sáng mịn”, rồi giúp giảm cân và thêm dồi dào năng lượng.
Tuy nhiên, căn cứ trên các nghiên cứu khoa học thì “có gì đó sai sai”.
Một thực đơn hoàn toàn chỉ có nước quả sẽ thiếu chất xơ, nhiều đường và có xu hướng nghèo protein.
Thực đơn này sẽ thiếu natri, do đó bạn sẽ bị chóng mặt. Ngoài ra, nếu bạn chỉ uống nước rau quả đơn thuần, bạn sẽ thiếu hoàn toàn carbohydrate, do đó thiếu năng lượng. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi – hoàn toàn trái ngược với những lời hứa hẹn.
Thực đơn như vậy cũng rất đắt đỏ và chẳng dẫn đến một thói quen có lợi cho sức khỏe nào trong dài hạn.
Ngay cả khi, nếu bạn sử dụng công thức này để giảm cân, thì sau khi bạn quay lại thực đơn thông thường, bạn cũng sẽ tăng thêm vài kí lô nữa vì “ăn bù”.
Huyền thoại rằng “một ly nước chanh ấm vào buổi sáng giúp thải độc cơ thể và đánh thức gan của bạn” thì sao?
Bạn nên nhớ cảnh báo của các nha sĩ: uống các loại nước có chất acid mỗi ngày có thể làm hỏng men răng và làm hại răng của bạn.
Thực ra thì, gan của bạn chẳng cần được đánh thức.
Nếu mà có chuyện gan cũng “đi ngủ” vào mỗi buổi tối khi bạn đi ngủ, bạn có thể sẽ... chẳng bao giờ thức dậy được nữa.
Pixie Turner, một nhà sinh hóa học, chuyên gia dinh dưỡng tại Anh
#2: Thực phẩm không chứa gluten có thực sự cần thiết?
Trong vài năm trở lại đây, một số các blogger “phun ra” những khẳng định vô căn cứ về tác hại của gluten.
Họ cho rằng gluten sẽ làm cho ruột bị tắc nghẽn, và đổ lỗi một loạt các triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu cho gluten.
Chúng ta hãy thẳng thắn: có những lý do chính đáng để không tiêu thụ gluten. Ví dụ, nếu bạn bất dung nạp hoặc dị ứng với chất này. Nhưng những người còn lại thì có lẽ không cần quá quan tâm đến gluten.
Ở Anh, hiện có ít hơn 5% dân số bị dị ứng với gluten, nhưng có tới 12% dân số nói rằng họ có chế độ ăn không gluten.
Như vậy, có một số người đã cắt giảm gluten một cách không cần thiết.
Thực ra có rất nhiều thứ gây khó chịu dạ dày chứ không phải chỉ gluten. Thông thường, nếu ai đó cảm thấy khó chịu sau khi một bát đồ ăn tinh bột lớn, ví dụ: mì ống, vấn đề không phải là do gluten trong mì ống, mà do ăn quá nhiều, quá nhanh hoặc nhai không đúng cách.
Mặt khác, một chế độ ăn uống không chứa gluten cũng có liên quan đến việc giảm số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột. Vậy nên trừ khi bạn được chẩn đoán rõ ràng là dị ứng hoặc bất dung nạp gluten, còn lại bạn không cần thiết quá coi trọng vấn đề này.
Để tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe tổng thể, bạn nên có chế độ ăn uống đa dạng với một loạt các loại thực phẩm.
Điều đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng và hạnh phúc hơn (ăn vừa đủ tinh bột làm cho bạn hạnh phúc!).
#3: Chế độ ăn kiềm tính – quá mơ hồ
Chế độ ăn kiềm tính được xây dựng trên giả thuyết rằng cơ thể hoạt động tốt nhất trong trạng thái có kiềm tính dạng nhẹ; các bệnh trong cơ thể là do acid.
Những người theo lý thuyết này cho rằng cách ăn uống sẽ ảnh hưởng đến độ pH (kiềm tính) trong cơ thể, cụ thể là trong máu. Do đó, chúng ta cần ăn nhiều thực phẩm giúp làm tăng kiềm tính (chủ yếu là hoa quả, rau), tránh các thực phẩm tạo ra acid (như thịt, sữa).
Đứng từ góc độ dinh dưỡng, việc khuyến khích ăn thêm rau quả luôn luôn tốt, đặc biệt là 70% chúng ta thừa nhận rằng đang ăn ít rau.
Tuy nhiên, việc quá tôn sùng chế độ ăn kiềm tính cũng gây ra những tuyên bố vô căn cứ. Đó là: chế độ ăn nhiều acid làm tăng cảm giác lo lắng, mệt mỏi, gây đau đầu, cao huyết áp...
Trong khi đó, các “tín đồ” của chế độ ăn này còn đưa ra những lợi ích hơi khó tin như kiểm soát cân nặng, giảm mụn, thậm chí... điều trị ung thư.
Thực tế, nồng độ pH của bạn được kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ thể.
Khi bạn ăn bất cứ thực phẩm nào, độ pH của chúng sẽ được thay đổi, tùy thuộc vào nơi mà thực phẩm được tiêu hóa. Ví dụ, thực phẩm sẽ có tính acid ở trong dạ dày, sau đó tăng dần kiềm tính trong ruột.
Độ pH trong máu luôn được giữ ở mức 7.35 – 7.45, tất cả trường hợp pH giảm xuống dưới 7.35 hay tăng quá 7.45 đều phải... vào viện cấp cứu.
Nói như vậy chắc bạn đã hiểu “quá acid” không phải là điều bạn dễ dàng điều chỉnh chỉ bằng cách ăn thêm vài cây rau.
#4: Trà giảm cân có “thần thánh” như quảng cáo?
Nhiều phụ nữ dễ bị dụ dỗ bởi những quảng cáo đường mật về trà hay cà phê giảm cân.
Người bán cho rằng các đồ uống này sẽ giúp giảm cân nhanh chóng, chỉ bằng việc uống 2 – 3 lần/ngày, trong vòng 30 phút trước bữa ăn.
Thực chất, các loại đồ uống này, ít nhất là khi bạn uống vào buổi tối, sẽ cung cấp một chất nhuận tràng có tên là senna, sẽ làm cho bạn giảm lượng nước trong cơ thể.
Điều này tạo “ảo giác” rằng bạn giảm cân, mặc dù thực tế không hề xảy ra điều này (bạn thực sự có giảm cân nặng do nước được thải ra khỏi cơ thể, nhưng sau đó nếu bạn dừng các đồ uống này, bạn lại tăng cân trở lại).
Chất nhuận tràng senna hoàn toàn không làm giảm cân một cách thực chất hoặc giúp thải độc cơ thể.
Ngoài ra, senna còn có nhiều tác dụng phụ, bao gồm: gây mất nước, mệt mỏi, chóng mặt, chuột rút, hại ruột, đau người, tiêu chảy, phụ thuộc vào thuốc.
#5: Thực phẩm tươi sống – không phải lúc nào cũng tốt
Nhiều người tin (một cách sai lầm) rằng thực phẩm chưa qua chế biến thì tốt hơn thực phẩm đã nấu nướng.
Đúng là thực phẩm tươi có thể chứa một số enzyme rất tốt và việc nấu nướng trên 40 độ C và cao hơn có thể làm mất các enzyme này.
Thế nhưng, đố bạn biết điều gì còn làm mất enzyme trong thực phẩm?
Đó chính là hệ tiêu hóa của bạn. Với độ pH cân bằng của hệ tiêu hóa là 2 – 3, thì rất nhiều enzyme không thể tồn tại.
Vậy nên, hãy nghĩ đến tác dụng của việc nấu chín đồ ăn, như loại bỏ độc tố, diệt khuẩn... Bằng việc ăn đồ ăn nấu chín, bạn sẽ tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Trong một số trường hợp, nấu chín đồ ăn có thể giúp “làm gẫy” các liên kết của vitamins, giúp cho bạn dễ tiêu hóa hơn.
Một số thực phẩm đã được chứng minh là ăn sau khi đã nấu chín sẽ tốt hơn là ăn sống, bao gồm: cà chua, rau chân vịt, các loại đậu và bí đỏ.