Nguyên nhân gây tình trạng nổi mề đay
Nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa và nổi mề đay do thay đổi thời tiết và do lạnh rất phức tạp và có thể còn liên quan đến một số nhân tố và yếu tố môi trường khác can thiệp vào (như thức ăn, nấm hoặc các dị nguyên môi trường).
Một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền (bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh); do nhiễm virut và một số bệnh lý truyền nhiễm và ngoài da khác.
Trong đó, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do yếu tố cơ địa, tức là cơ thể dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích như lạnh ẩm đột ngột; một số loại thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán, protein; do dùng một số loại thuốc đông y hoặc tây y.
Mề đay nổi lên là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). Khi bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và nhiều triệu chứng dị ứng khác.
7 bài thuốc chữa nổi mề đay tại nhà hay nhất
Chữa nổi mề đay bằng gừng
Gừng là gia vị quen thuộc trong gian bếp gia đình Việt có tác dụng tăng hương vị, kích thích vị giác. Gừng giúp ấm bụng, hỗ trợ khắc phục tình trạng tụt huyết áp, kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt nên thường được dùng điều trị các triệu chứng bệnh mề đay, viêm họng, viêm xoang, cảm cúm, cảm lạnh,...
Chuẩn bị 50g gừng tươi thái lát, 100g đường thẻ (đường mía nguyên chất, cô đặc), nửa bát giấm. Đun hỗn hợp nước cốt giấm, đường thẻ và gừng tươi rồi để nguội. Khi uống, lấy nước cốt thu được pha cùng nước ấm, uống mỗi ngày 3-4 lần để có được hiệu quả tốt nhất.
Chữa bằng nha đam
Trong nha đam có chứa hàm lượng hoạt chất thiết yếu cho da như vitamin, acid cinnamic,... loại thảo dược này giúp kháng viêm, giảm ngứa ngáy.
Thực hiện: Cắt bỏ phần vỏ xanh bên ngoài của nha đam, rửa sạch phần nhựa trong lá nha đam, giữ lấy phần thịt trắng bên trong. Người bệnh dùng phần thịt này xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương để làm giảm kích ứng, mẩn đỏ.
Chữa mề đay bằng lá bạc hà
Lá bạc hà cũng là một vị thuốc quý trong YHCT có tác dụng kháng khuẩn, giảm ngứa, giảm đau rất tốt.
Lấy một ít lá bạc hà đem rửa sạch, loại bỏ lá hỏng rồi chà xát nắm lá hơi nát một chút, cho lá bạc hà vào nước tắm hoặc đắp trực tiếp lên vùng da bị mề đay.
Chữa nổi mề đay với lá khế
Trong lá khế có nhiều tinh chất chống oxy hóa giúp ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại, đồng thời thúc đẩy quá trình phục hồi da.
Tắm nước lá khế: Đây là cách phổ biến nhất, rất nhiều người bệnh mề đay mẩn ngứa đang áp dụng. Người bệnh lấy một nắm lá khế tươi, rửa sạch rồi đun lấy nước tắm. Có thể thực hiện tắm 2 ngày/ lần với nước lá khế, các ngày còn lại tắm bình thường.
Đắp lá khế nóng lên da: Chọn lá khế tươi, sạch, sẽ rồi rửa sạch, để ráo nước rồi rang nóng lá khế. Sau đó, bọc lá khế trong tấm vải mỏng rồi đắp lên vùng da bị mề đay. Di chuyển tấm vải, tránh làm bỏng da, khi lá khế nguội rồi có thể rang nóng lại rồi dùng tiếp.
Chữa nổi mề đay bằng lá trầu không
Ngoài những nguyên liệu kể trên, lựa chọn trầu không chữa mề đay tại nhà cũng là phương pháp hay được nhiều bệnh nhân áp dụng. Với khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm, làm sạch hiệu quả, trầu không được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian chữa mề đay, mẩn ngứa hay bệnh phụ khoa.
Cách 1: Chuẩn bị một nắm lá trầu không tươi, chọn lá sạch sẽ, không sâu, hỏng, rửa sạch rồi đun nước, cho thêm 1 ít muối trắng rồi dùng nước này tắm. Lưu ý pha loãng nước.
Cách 2: Chọn lá trầu không sạch, không sâu rồi đem ngâm với nước muối pha loãng (làm tăng khả năng làm sạch, kháng khuẩn, loại bỏ tạp chất trên lá trầu), vẩy ráo nước và để khô. Sau đó, giã nát lá trầu rồi đắp lên vùng da bị tổn thương trong khoảng 30 phút cho đến khi lá trầu khô thì bỏ đi, rửa sạch vùng da đó bằng nước sạch.
Chữa bằng lá trà xanh
Trong lá trà xanh có chứa hàm lượng lớn các hoạt chất chống oxy hóa như polyphenol hay catechin. Đặc biệt, loại thảo dược này còn chứa hàm lượng lớn chất EGCG có khả năng chống viêm, cân bằng oxy hóa bảo vệ da khỏi các gốc tự do.
Người bệnh chỉ cần lấy lá trà xanh rửa sạch rồi đun nước tắm hàng ngày.
Trị mề đay tại nhà với lá kinh giới
Lá kinh giới có tính hàn, khả năng bài trừ độc tố tốt, tiêu viêm, kháng dị ứng, hiệu quả cao trong hỗ trợ điều trị bệnh mề đay mẩn ngứa. Chưa kể, loại thảo dược này còn chứa nhiều vitamin giúp khắc phục tổn thương trên da hiệu quả.
Người bệnh có thể thực hiện những bài thuốc dân gian chữa mề đay tại nhà bằng lá kinh giới với 2 cách sau:
Cách 1: Xông hơi với lá kinh giới: Người bệnh chuẩn bị 1 nắm lá kinh giới đem rửa sạch, loại bỏ tạp chất, bụi bẩn trên lá rồi đun cùng nước. Sử dụng nước lá kinh giới để xông hơi cho đến khi nước nguội, dùng nước này để tắm trực tiếp lên vùng da bị nổi mề đay.
Cách 2: Đắp lá kinh giới : Tương tự như cách 1, bạn chuẩn bị 1 nắm lá kinh giới rửa sạch, để ráo nước rồi sao vàng cho đến khi lá kinh giới giòn nóng. Cho lá kinh giới vào tấm vải mỏng rồi đắp lên vùng da bị mề đay, có thể chà xát nhẹ lên da để thẩm thấu tốt hơn (lưu ý không chà xát mạnh gây bỏng rát). Thực hiện cho đến khi lá kinh giới nguội hẳn, có thể đem sao vàng rồi dùng tiếp.
V.LinhBạn đang xem bài viết 7 cách chữa nổi mề đay tại nhà với các loại lá quen thuộc, làm ngay để đỡ ngứa tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].