Tiêu chảy là tình trạng khi trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần/ngày. Bệnh thường xảy ra với trẻ em, nhất là từ 6 tháng -2 tuổi.
Tiêu chảy được chia làm 2 dạng: Tiêu chảy cấp (xảy ra đột ngột và kéo dài không quá 14 ngày) và tiêu chảy thường kéo dài trên 2 tuần.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy là nhóm virus hoặc vi khuẩn. Một số yếu tố như tuổi nhỏ, trẻ bị suy dinh dưỡng, đang giai đoạn suy giảm miễn dịch, hay như cho trẻ bú bình, uống nước nhiễm bẩn, không rửa tay sau khi đi vệ sinh… góp phần làm nguy cơ mắc bệnh của trẻ tăng lên.
Bệnh tiêu chảy thường khiến trẻ mất đi một lượng nước và điện giải lớn, làm giảm khối lượng tuần hoàn, dẫn tới trụy tim mạch và tử vong. Lúc này, chế độ dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân, tránh biến chứng có hại cho cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ tiêu chảy phải đảm bảo một số nguyên tắc sau:
- Bù nước cho trẻ là ưu tiên đầu tiên trong chế độ dinh dưỡng. Bạn có thể cho trẻ uống Oresol, nước đun sôi để nguội hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như cháo, nước cơm, nước cháo, nước gạo rang, nước chuối, nước hồng xiêm,...
- Cho trẻ ăn càng nhiều càng tốt và vẫn ăn đầy đủ các thức ăn giàu dinh dưỡng để tránh trẻ bị sụt cân, suy dinh dưỡng trong giai đoạn này.Với trẻ đang còn bú mẹ, tăng thêm cữ bú, trẻ ngoài 6 tháng thì tăng cường bổ sung bằng thức ăn giàu dinh dưỡng.
-Sử dụng một số thực phẩm giàu dinh dưỡng như gạo, khoai tây, thịt gà, lợn nạc, cá nạc, sữa đậu nành, sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose. Thay thế dầu động vật bằng dầu thực vật. Ăn một số loại rau quả như cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo, xoài, chuối .. để tăng thêm lượng kali, beta, caroten, vitamin C.
Khi đun nấu thức ăn cho trẻ tiêu chảy, cần nấu chín mềm, kỹ, loãng hơn bình thường để trẻ dễ ăn và cho ăn ngay để đảm bảo vệ sinh
- Lưu ý tránh dùng một số loại thực phẩm như các loại nước uống giải khát công nghiệp để tránh đầy hơi, các loại thức ăn có đường vì ăn vào càng làm tăng tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột, kéo nước trong tế bào vào lòng ruột. Tránh dùng những loại thực phẩm nhiều chất xơ, ít chất dinh dưỡng vì khó tiêu.