Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ em và xảy ra nhiều nhất vào mùa hè. Tại khoa Tiêu hóa bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tiêu chảy ngày càng tăng.
Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước. Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, thường gặp hơn là gây suy dinh dưỡng cho trẻ vì giảm hấp thu do tổn thương niêm mạc ruột.
Cần cho trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, tiểu ít, khô miệng và khô da.
Theo BSCKII Nguyễn Thanh Khôi, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tiêu chảy thường được gây ra bởi nhiễm trùng tiêu hóa do virus, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng, rất dễ lây qua các con đường sau:
- Không vệ sinh tay trước khi ăn
- Mùa hè, độ ẩm tăng cao, thức ăn dễ nhiễm khuẩn làm cho vi khuẩn và virus bùng phát gây tiêu chảy cấp.
- Thực hành ăn dặm chưa đúng cách, ví dụ cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn mới lạ trong một lúc
- Dụng cụ cho trẻ ăn không được rửa sạch như : bát, đĩa, cốc, chén
- Tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây: người bệnh, chất nôn…
- Một nguyên nhân phổ biến của bệnh tiêu chảy là viêm dạ dày ruột do virus. Nhiều loại virus khác nhau có thể gây ra tiêu chảy, triệu chứng này thường kéo dài chỉ một vài ngày và thường ổn định trong 1 tuần.
Biểu hiện và triệu chứng khi trẻ bị tiêu chảy
Khi trẻ bị tiêu chảy, các triệu chứng thường bắt đầu bằng cơn đau bụng tiếp theo là tiêu chảy thường kéo dài không quá một vài ngày. Một vài triệu chứng khác, chẳng hạn như: sốt, nôn, giảm cân, dấu hiệu mất nước.
Trong những trường hợp viêm dạ dày ruột do virus, trẻ em thường bị sốt và nôn đầu tiên, tiếp theo là tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy có cần kiêng ăn?
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, khi con trẻ bị tiêu chảy trẻ cần phải kiêng thực phẩm giàu đạm, thực phẩm tanh… để không làm bệnh nặng hơn.
Nhưng theo bác sĩ Khôi, quan niệm khiêng khem khi trẻ bị tiêu chảy là không đúng. Cha mẹ vẫn cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược và thiếu ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường. Và đặc biệt là cần cho trẻ uống nhiều nước đề bù lượng nước đã mất khi bị tiêu chảy.
Khi nào cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi bệnh viện?
- Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi
- Trẻ hơn 6 tháng tuổi có kèm các triệu chứng sau:
+Tiêu chảy nghiêm trọng (đi chảy nhiều lần, phân lỏng nhiều nước) hoặc tiêu chảy hơn 1 tuần
+Sốt trên 39 ° C hoặc cao hơn; nôn mửa lặp đi lặp lại, từ chối uống nước hoặc không uống được.
+ Đau bụng dữ dội, tiêu chảy có chứa máu hoặc chất nhầy
- Trẻ có các dấu hiệu của mất nước bao gồm: Môi khô, khát nước, uống háo hức; đôi mắt trũng sâu, thóp lõm; tiểu ít; thờ ơ hoặc dễ cáu gắt; mệt mỏi hoặc chóng mặt trong một đứa trẻ lớn tuổi.
Cách chăm sóc cho trẻ khi bị tiêu chảy
Tiêu chảy nhẹ thường không gây ra vấn đề nếu trẻ vẫn hoạt động bình thường, uống và ăn đầy đủ.
Tiêu chảy nhẹ thường qua đi trong vòng một vài ngày và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn khi được chăm sóc tại nhà, nghỉ ngơi, và uống nhiều nước.
Khi trẻ bị tiêu chảy nhẹ không mất nước hoặc ói mửa, cha mẹ có thể tiếp tục ăn uống các loại thực phẩm thông thường bao gồm cả sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ theo lứa tuổi.
Trong thực tế, một chế độ ăn uống hợp lý có thể giảm bớt thời gian tiêu chảy. Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ đảm bảo nguồn năng lượng để chống lại tác nhân gây bệnh và nhanh chóng phục hồi lại niêm mạc ruột bị hư tổn..
Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị tiêu chảy cho trẻ. Kháng sinh chỉ dùng trong trường hợp có bằng chứng (xét nghiệm) tiêu chảy do nhiễm khuẩn và có chỉ định của bác sĩ.
Việc bù đắp của nước và chất điện giải (muối và khoáng chất) bị mất từ cơ thể do tiêu chảy, nôn mửa và sốt cũng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Cách phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ trong mùa hè
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và hầu như chúng ta không thể ngăn chặn sự tiếp xúc của các tác nhân gây bệnh tiêu chảy với trẻ.
Để phòng tiêu chảy cho trẻ trong mùa hè, bác sĩ Khôi khuyến cáo một số biện pháp:
- Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi sử dụng nhà vệ sinh và trước khi ăn. Rửa tay là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng tiêu chảy được truyền từ người này sang người khác.
- Bảo quản nguồn thức ăn sạch sẽ, tránh bị ôi thiu.
- Đảm bảo ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
L.MinhBạn đang xem bài viết Bác sĩ nhi khoa chỉ cách phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ trong mùa hè tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].