Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và Thách thức đối với giáo dục".
Tọa đàm gồm 2 chủ đề thảo luận: "Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục" và "Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục".
ChatGPT có thể là trợ thủ đắc lực của người thầy
Tham gia buổi tọa đàm, chuyên gia giáo dục Lê Thống Nhất cho rằng, chatGPT hoàn toàn có thể trở thành "trợ thủ đắc lực" của giáo viên. Với những hỗ trợ của ChatGPT, thầy cô hoàn toàn có thể có những giờ lên lớp chất lượng tốt hơn.
“Chưa nói đến chuyện giúp học sinh dám hỏi, các giáo viên nên coi ChatGPT như là một trợ thủ. Có quá nhiều vấn đề mà trước đây chúng ta sẽ phải hỏi người này người kia, giờ đây có thêm một kênh để hỏi”. Song ông cũng lưu ý thầy cần có khả năng đánh giá thông tin.
Đồng quan điểm ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng nên coi ChatGPT là "trợ lý" cho các thầy cô. Điều đáng nói ở đây là năng lực tận dụng chatGPT của các thầy cô như thế nào.
"Khi đã coi một công cụ là trợ lý rồi, chúng ta có thể tự nâng cấp mình lên để hơn được người trợ lý của mình, dạy cho người trợ lý đó hướng theo những thứ mà mình muốn. Chúng ta có thể tận dụng nó trở thành người trợ lý bình thường hay người trợ lý giỏi, người trợ lý rất giỏi là hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà chúng ta ứng dụng", ông nói.
Vai trò của người thầy sẽ thay đổi nhưng không thể thay thế
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, sự ra đời của những công nghệ mới, công cụ mới đều giúp cho công việc của chúng ta trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành Giáo dục, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục.
"Chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ, lúc đầu rất nhiều người lo lắng, từ sự ra đời của radio, tivi, camera, công nghệ dạy học trực tuyến. Nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Cuối cùng chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó ra đời đều giúp cho, không chỉ ngành Giáo dục, mà đặc biệt ngành Giáo dục đều có những bước tiến lớn".
Với công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng, vai trò của người thầy sẽ thay đổi nhưng không thể thay thế. Những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học.
"Vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học sẽ phải thay đổi như thế nào, và chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại".
Thứ trưởng đề nghị hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục hãy trải nghiệm để hiểu hơn. Sau đó, hãy thảo luận, làm rõ lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác.
Đồng ý kiến với Thứ trưởng, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, ông đã trực tiếp thử nghiệm ứng dụng ChatGPT để hiểu bản chất ChatGPT là gì. ChatGPT đã đưa các câu trả lời đại cương khá tốt, nhưng về góc độ chuyên sâu khi hỏi xoáy thêm thì ChatGPT không trả lời được.
"Do đó, tôi cho rằng, trong câu chuyện này vẫn còn quãng đường dài, đây mới chỉ là bản demo và trí tuệ nhân tạo còn phát triển. Chúng ta không quá lo lắng, hoang mang, nhưng rõ ràng cần phải có sự thay đổi, thích ứng.
Vai trò dẫn dắt của người thầy không thể thay thế, tuy nhiên chắc chắn người thầy phải tự thay đổi. Vấn đề là phải định hướng, thay vì dạy dỗ thì người thầy phải dẫn dắt sinh viên trong bối cảnh ChatGPT nở rộ như hiện nay, yêu cầu dẫn dắt và truyền thụ còn cần cao hơn nữa.
Tôi nghĩ đây là một thách thức và áp lực cần thiết đối với những người làm công tác giáo dục, phải thay đổi trong bối cảnh hiện nay", ông Tuấn nhấn mạnh.
Cấm ChatGPT là cách làm bảo thủ
PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, hiện nay, có câu chuyện một số trường đại học hay một số nơi có ý định cấm sinh viên dùng ChatGPT vì lo ngại các em có thể sử dụng ChatGPT để viết bài luận. PGS Tùng cho rằng đây là cách làm khá bảo thủ.
"ChatGPT chỉ là một demo (phiên bản thử nghiệm) cho công nghệ đằng sau là AI tạo sinh hay "mô hình ngôn ngữ lớn". Chúng ta nên tiếp nhận ChatGPT một cách cởi mở như một thành tựu để trải nghiệm, thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo không quá xa xôi.
Tôi cho rằng, chatGPT có thể hỗ trợ để đào tạo, nâng chuẩn cho sinh viên. Ví dụ như tôi thấy trình độ viết của sinh viên ngày càng kém, đôi khi để tự viết hoàn toàn một bài luận được 5 điểm là không thể. Vậy nếu chatGPT là khởi đầu để tất cả các em nâng lên được mức 5 điểm, sau đó thầy cô thay vì ngồi tranh cãi xem đoạn văn này là của ChatGPT viết hay do sinh viên viết sẽ có những trao đổi, thảo luận với sinh viên để làm sao bài tập xuất phát từ nền 5 điểm đó, đưa thêm ý tưởng sáng tạo của con người vào và nâng lên thành 7 điểm, 8 điểm.
Bởi ChatGPT vẫn chỉ là mô hình dự đoán, chưa có những khả năng suy luận, sáng tạo như của con người".
V.LinhBạn đang xem bài viết ChatGPT ra đời, vai trò người thầy sẽ thay đổi tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].