Empty
Empty

Đang nằm ngủ trưa, cụ bà T.T.N. (70 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) dậy đi vệ sinh. Khi bước từ trên giường xuống đất, cụ N. bị tê chân và đã ngã ngồi xuống đất. Cú ngã ngồi khiến cụ đau không đứng dậy được, phải gọi người nhà hỗ trợ. Nhưng thay vì đưa cụ vào bệnh viện thăm khám, điều trị người nhà lại gọi thầy lang đến nhà thăm khám.

Thầy lang xác định cụ bị gãy xương hông, phải đắp thuốc nằm bất động khoảng 2 tháng thì xương mới liền và đi lại được. Tuy vậy, sau hơn 2 tháng đắp thuốc với chi phí điều trị khoảng 8 triệu đồng, cụ N. vẫn không đi lại được. Khổ hơn, do nằm lâu một chỗ khiến da phần mông của cụ bị viêm loét, chân cứng khó cử động.

Mặc dù tình trạng của cụ N. chuyển biến xấu đi nhưng thầy lang vẫn khuyên gia đình tiếp tục kiên trì điều trị cho cụ bằng cách đắp thuốc để liền xương và dùng thêm thuốc bôi chữa vết loét da do tì đè. Dù vậy, gia đình đã lựa chọn đưa cụ N. đi viện thăm khám, nhưng bác sĩ cho biết, vết thương của cụ N. rất khó để phục hồi và có thể sẽ không đi lại được.

Cách đây không lâu, BV Hữu nghị Việt Đức cũng từng tiếp nhận 2 bệnh nhân cao tuổi nhập viện đều trong tình trạng chân đau nhiều, sưng nề do bị tai nạn sinh hoạt, ngã tiếp xúc hông xuống mặt cứng.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ của BV Hữu nghị Việt Đức đã cho bệnh nhân thực hiện các chỉ định X-quang, siêu âm... và chẩn đoán bệnh nhân V.T.S (105 tuổi, trú tại Tuyên Quang) bị gãy cổ xương đùi và bệnh nhân N.T.N (97 tuổi, trú tại Hưng Yên) bị gãy xương đùi.

Sau khi trao đổi với gia đình về tình trạng sức khỏe của người bệnh và hội chẩn các khoa, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho 2 bệnh nhân bằng phương pháp thay khớp háng bán phần để bệnh nhân nhanh hồi phục hơn.

TS.BS Hà Thị Vân Anh (phụ trách khoa Khám bệnh, BV Lão khoa Trung ương) cùng các cộng sự của mình từng tiến hành nghiên cứu đánh giá tỷ lệ ngã, các yếu tố liên quan đến ngã và mô tả hậu quả sau ngã ở bệnh nhân ngoại trú cao tuổi.

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3/2018 - 3/2021 trên 636 bệnh nhân ngoại trú trên 60 tuổi tại BV Lão khoa Trung ương. Trong 1 năm theo dõi, 226 người (35,5%) bị ngã, đa số ngã xảy ra trong nhà, chủ yếu tại phòng ngủ (61,1%) và nhà tắm (41,6%), thường gặp nhất do trơn trượt (52,2%).

Empty

Có tới 30 - 40% người trên 65 tuổi và khoảng 50% người từ 80 tuổi trở lên trong cộng đồng bị ngã hàng năm, một nửa số trường hợp đó có tái ngã, hầu hết cần các chăm sóc y tế.

Một thống kê tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội trong 3 tháng cuối năm 2023 cũng cho thấy, trong tổng số 3.423 trường hợp bệnh nhân trên 60 tuổi gọi cấp cứu hỗ trợ thì có tới 296 trường hợp là người cao tuổi bị tai nạn sinh hoạt.

Đáng lưu ý, việc điều trị chấn thương do ngã ở người cao tuổi vô cùng tốn kém. Tuổi càng cao, hậu quả của việc té ngã càng nặng. Tình trạng ngã ở người cao tuổi nguy hiểm là thế nhưng đây là vấn đề ít được mọi người quan tâm, thường bị bỏ qua, thậm chí có thể xem ngã như là vấn đề tất yếu của sự già hóa.

Empty

Ngã và các chấn thương liên quan đến ngã đang là gánh nặng lớn của toàn xã hội. Ngã ở người cao tuổi thường gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn ở người trẻ do khối lượng cơ, mật độ xương và sức khỏe giảm theo tuổi nên người cao tuổi sau ngã dễ bị gãy xương hoặc các chấn thương lớn về cơ.

Tùy thuộc vào loại và mức độ chấn thương, người cao tuổi sau khi bị ngã có thể phải nhập viện, suy giảm các chức năng hoạt động hàng ngày, thậm chí tàn phế suốt đời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Vân Anh và các cộng sự cho thấy, ngã ở người cao tuổi chủ yếu xảy ra tại nhà. Lý giải cho vấn đề này, các tác giả cho rằng người cao tuổi có xu hướng ở nhà nhiều hơn đi ra ngoài, với không gian giới hạn xung quanh nhà khiến các hoạt động của người cao tuổi bị hạn chế, thời gian vận động ít đi, sự linh hoạt giảm dần theo thời gian dẫn đến họ dễ bị ngã.

Ngoài ra, ngã tại nhà có thể do thiếu ánh sáng. Điều này cũng đã được quan sát thấy trong kết quả của nghiên cứu hiện tại rằng ở những nơi thường để ánh sáng yếu như phòng ngủ và nhà tắm là những vị trí thường xảy ra ngã.

Nghiên cứu của bác sĩ Vân Anh và các cộng sự cũng chỉ ra trong các hoàn cảnh ngã thường gặp ở người cao tuổi như: thay đổi tư thế đột ngột, nền nhà trơn trượt, cảm giác chóng mặt hoặc mất thăng bằng, đang đi bị vô tình bị va chạm, ngã trong khi đang đi xe đạp hoặc xe máy; thì ngã do trơn trượt xảy ra phổ biến nhất.

Các chướng ngại vật trên sàn nhà như dây điện, quần áo, sách vở và các đồ vật rơi trên sàn cũng khiến người cao tuổi có thể bị vấp ngã.

Các thay đổi về sinh lý khi tuổi cao khiến tổ chức liên kết mất tính mềm mại, giảm khối cơ, rối loạn cảm giác sâu, dẫn truyền thần kinh chậm lại dẫn đến tình trạng hạn chế hoạt động của các khớp và cơ lực, giảm sức mạnh chi dưới, kéo dài thời gian phản ứng, kèm theo giảm thị lực làm cho người cao tuổi bước đi chậm hơn, bước chân ngắn hơn để giữ thăng bằng khiến họ dễ bị ngã.

Hệ thống tiền đình cũng bị ảnh hưởng do mất các tế bào lông của mê đạo, tế bào hạch nền và các sợi thần kinh; trong khi cảm giác bản thể bị mất xảy ra ở chi dưới dẫn đến tăng nguy cơ bị ngã.

Việc mắc nhiều bệnh kèm theo và tình trạng sử dụng thuốc không hợp lý ở người cao tuổi được chứng minh là các yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến ngã.

Empty

Một số yếu tố nguy cơ ngã được xác định như: tuổi từ 80 trở lên, tiền sử ngã, tình trạng lo sợ bị ngã, có hội chứng lão khoa, mắc kèm trên 3 bệnh, tình trạng sử dụng đa thuốc (dùng cùng lúc từ 5 loại thuốc trở lên), sử dụng thuốc hướng thần…

Phần lớn các yếu tố nguy cơ ngã ở người cao tuổi có thể thay đổi được, việc can thiệp vào các yếu tố này giúp phòng chống ngã cho người già.

Để hạn chế nguy cơ ngã, bản thân người cao tuổi cũng như người thân trong gia đình cần chú ý các biện pháp sau:

Tạo không gian sống an toàn cho người cao tuổi: Những gia đình có người cao tuổi cần bố trí đồ đạc gọn gàng, hợp lý, sử dụng các vật dụng như gạch lót nền, thảm trải nền có độ bám tốt chống trơn trượt.

Xây dựng không gian sống, nhất là phòng ngủ, phòng tắm cho người cao tuổi phải đủ sáng, bố trí các hệ thống thanh vịn, tay nắm vững chắc để phòng ngừa té ngã cho người cao tuổi. Giường ngủ của người cao tuổi cũng cần thiết kế phù hợp với người cao tuổi, không được quá thấp, cũng không được quá cao để tránh té ngã.

Empty

Người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như đạm, đường, chất béo lành mạnh, các vitamin và khoáng chất thiết yếu giúp phòng ngừa loãng xương, yếu cơ, cũng như làm giảm xuất hiện các bệnh lý mạn tính ở người cao tuổi.

Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên: Với người cao tuổi, việc thường xuyên tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe toàn thân, tăng cường sự dẻo dai của cơ xương và sự linh hoạt của các khớp; từ đó cải thiện khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể.

Tập thể dục mỗi ngày còn giúp người cao tuổi có tinh thần thoải mái, vui vẻ, trí óc minh mẫn… Nhưng người cao tuổi cũng cần lựa chọn các môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình, tránh tập gắng sức.

Khám sức khỏe định kỳ: Người cao tuổi cần được thăm khám sức khỏe định kỳ bởi các bác sĩ, cán bộ y tế có chuyên môn, để kịp thời phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ té ngã. Đặc biệt với những người có bệnh mạn tính cần duy trì việc dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. 

credit

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO