Theo nghiên cứu được công bố thứ Hai vừa rồi trên tạp chí Emotion, những người xếp cuối trong cán cân thu nhập tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong các mối quan hệ: họ hạnh phúc khi chăm sóc và kết nối với mọi người.
Ngược lại, những cảm xúc tích cực của những người có thu nhập cao hơn chủ yếu xoay quanh chính họ.
Paul Piff, Phó Giáo sư tâm lý học và hành vi ở Đại học California, Irvine, người dẫn dắt nghiên cứu cho biết: ‘Những người nghèo hơn sống dựa vào những người xung quanh hơn.
Họ coi trọng các mối quan hệ vì không có nhiều vật chất: họ tập trung vào những tình cảm gắn kết họ với người khác, tìm thấy niềm vui và sự thỏa mãn thông qua lòng trắc ẩn và tình yêu.’
Để thực hiện nghiên cứu này, PGS Piff và cộng sự, Jake P. Moskowitz, một sinh viên tốt nghiệp Đại học California, Irvine đã làm khảo sát trên 1.500 người Mỹ ở độ tuổi từ 24 đến 93.
Các câu hỏi được thiết kế để do mức độ của 7 trạng thái cảm xúc từng người trải nghiệm mỗi ngày: thích thú, hào hứng, ngạc nhiên, thương cảm, hài lòng, yêu thương và tự hào.
Theo các nghiên cứu trước đó, 7 trạng thái riêng biệt này làm nên cảm xúc tích cực nói chung.
Những người tham gia đánh giá mức độ đồng ý với các câu nói như là: ‘Cuộc đời tôi đầy những bất ngờ’, ‘Giúp đỡ mọi người làm tôi thấy ấm áp’ và ‘Tôi rất vui khi theo đuổi mục đích của mình’.
PGS Piff giải thích, các nghiên cứu khác thường hỏi câu hỏi rất chung chung, ví dụ như: ‘Bạn hạnh phúc đến đâu?’ nhưng trong nghiên cứu mới này, họ chia hạnh phúc thành những ‘thành phần’ nhỏ: tất cả những loại cảm xúc tích cực chúng ta muốn trải qua hàng ngày.
Tiếp theo, PGS Piff và Moskowitz tổng hợp số liệu và phân tích mối quan hệ giữa thu nhập với từng cảm xúc.
‘Khi thu nhập tăng lên, sự tự hào, thích thú và hài lòng của mọi người tăng, tuy nhiên lòng trắc ẩn, tình yêu và sự ngạc nhiên đi xuống.
Sự hào hứng là cảm xúc không bị ảnh hưởng bởi thu nhập – cả người giàu và người nghèo đều trải nghiệm mức độ hào hứng như nhau’.
Giải thích điều này, PGS Piff khẳng định có nhiều lý do thu nhập và sự giàu có ảnh hưởng tới một số cảm xúc nhất định.
‘Sự giàu có khiến bạn không dựa nhiều vào người khác. Vì vậy, bạn dễ tập trung vào những cảm xúc khiến bạn cảm thấy độc lập và khác biệt so với mọi người – những điều làm bạn trở nên nổi bật.
Nhưng dĩ nhiên không có những sự khác biệt nào là tuyệt đối; không phải người giàu không có lòng trắc ẩn hay tình yêu thương mà chỉ là họ không trải nghiệm những điều này nhiều như người khác.
David G. Blanchflower, Giáo sư Kinh tế học ở Đại học Dartmouth bình luận, ông không cảm thấy ấn tượng với nghiên cứu này.
Blanchflower, người không tham gia vào nghiên cứu, đặt dấu chấm hỏi về trọng tâm của nghiên cứu và kết luận không mấy rõ ràng của nó.
‘Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống liên quan trực tiếp đến thu nhập.
Cụ thể, có nghiên cứu nọ cho thấy thu nhập càng cao, người ta càng tự tin, có nhiều cơ hội hơn và được tiếp cận với hỗ trợ xã hội nhiều hơn, từ đó cảm thấy hạnh phúc hơn’ – ông phát biểu.
Tuy nhiên, PGS Piff đặt câu hỏi, liệu sự giàu có có liên quan trực tiếp đến hạnh phúc không.
Những điều làm nên cảm giác hạnh phúc là những gì kết nối bạn với người khác: lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự biết ơn – chất kết dính giữa người với người.
Ông nhận định: ‘Đối với xã hội nói chung và mỗi con người nói riêng, khả năng hòa nhập góp phần quan trọng giúp ta cảm thấy hạnh phúc và khỏe mạnh’.
Thời điểm cuối năm sắp đến khiến mọi người suy ngẫm nhiều hơn về cộng đồng lớn mà họ đang tham gia cùng những người quan trọng trong cuộc đời mình.
Mặc dù không có nhiều tiền, bạn vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa, hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống khi nhắc nhở bản thân rằng mình đang được sống trong tình yêu thương của những người xung quanh.
Từ đó, bạn có niềm tin sẽ đạt được mọi thứ mình mong muốn.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Càng nhiều tiền, người ta càng ít trải nghiệm lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự bất ngờ tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].