Trẻ bị tiêu chảy cấp dễ gặp phải biến chứng nguy hiểm
Bệnh nhi Đ.V.T. (1 tuổi, ở Hải Phòng) bỗng nhiên bị sốt theo cơn, ăn kém, nôn nhiều ra thức ăn, ỉa lỏng 5,6 lần/ngày.
Gia đình đã cho bé uống thuốc và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên sau đó trẻ có biểu hiện mệt nhiều, chậm chạp, da xanh tái, gia đình đã đưa bé vào BV Việt nam – Thụy Điển Uông Bí thăm khám.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám. Trẻ được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp nặng, toan chuyển hóa, suy thận, suy tim cấp, rối loạn điện giải…
Các bác sĩ đã tiến hành điều trị hồi sức tích cực gồm: hỗ trợ thở oxy, bù nước điện giải, tích cực điều chỉnh toan kiềm, dùng kháng sinh và thực hiện chế độ chăm sóc bệnh nhi cấp 1.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi có tiến triển tốt, tỉnh táo hơn, đỡ mệt, không nôn, không sốt... 8 ngày sau đó trẻ được xuất viện.
Cha mẹ cần làm gì khi con bị tiêu chảy?
Theo bác sĩ Đào Thị Loan, Phó trưởng khoa Nhi của Bệnh viện, trường hợp bệnh nhi này nhập viện với biểu hiện của tiêu chảy cấp, li bì, khó thở, bỏ ăn, không uống được, môi khô, mắt trũng, có diễn biến nhanh, tiên lượng rất nặng... May mắn là bệnh nhi đã được cấp cứu và điều trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, nếu trẻ mắc tiêu chảy phân lỏng không đỡ đồng thời quấy khóc nhiều hoặc có các biểu hiện bất thường như sốt cao, li bì, ăn uống kém, nôn nhiều, nôn ra tất cả mọi thứ, khát, háo nước, mắt trũng cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, khi thời ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, các gia đình nên thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh bề mặt đồ dùng trong gia đình, cho trẻ uống vắc-xin phòng bệnh Rotavirus...
10 dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp cần đi khám bác sĩ ngay
Cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ khi trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy cấp. Bởi, trẻ nhỏ ở độ tuổi này thường dễ bị mất nước và bệnh trở nặng mà người nhà có thể không nhận biết được. Nếu trẻ được bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú thì bác sĩ sẽ hẹn người nhà mang bé đến tái khám khá thường xuyên, đôi khi mỗi 6 - 12 giờ một lần, để có thể theo dõi sát tình trạng bệnh.
Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu trẻ có một trong những dấu hiệu nguy hiểm sau đây:
- Trẻ vẫn nôn ói nhiều, mặc dù cha mẹ đã cho trẻ uống chậm, ít, thường xuyên.
- Trẻ không chịu ăn uống gì, trong khi trẻ vẫn còn tiêu chảy và nôn ói nhiều
- Trẻ đi ngoài quá thường xuyên và cha mẹ không bù được đủ nước cho trẻ
- Khi trẻ nôn ói và cha mẹ thấy dịch nôn ói của trẻ có màu xanh lá cây (dịch từ túi mật)
- Trẻ kêu đau bụng nhiều, thường xuyên
- Trẻ đi ngoài phân có máu
- Trẻ có dấu hiệu mất nước
- Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, lừ đừ, quấy khóc liên tục, hoặc nếu cha mẹ thấy trẻ ngủ nhiều, khó đánh thức
- Trẻ tiêu chảy vẫn không hết sau 7 ngày
- Nếu cha mẹ có bất kì lo lắng nào thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.
An AnBạn đang xem bài viết Bé 1 tuổi bị tiêu chảy cấp với nhiều biến chứng nặng, cha mẹ cần làm gì khi con bị tiêu chảy? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].