Giữa tháng Ba, trường của con gái ở bên Anh thông báo sẽ đóng cửa, các học sinh bây giờ sẽ học online. Con gái, người không rời nước Anh trong dịp này, đã bắt đầu những tiết học trên mạng trong căn hộ của mình.
Thực ra, những gì con và học sinh một số nước khác bắt đầu làm hiện tại đã được áp dụng ở nhiều nơi mà các trường học phải đóng cửa để đề phòng sự lan nhanh của dịch bệnh. Trung Quốc đã áp dụng online teaching (dạy online) từ khi công bố dịch bùng nổ vào tháng Hai.
Ở Việt Nam, các giáo viên mình, bằng nhiều phương thức khác nhau, cũng đã tiến hành dạy học online ngay từ sau Tết, khi các trường học nghỉ từ đó đến giờ. Các cấp học đều làm thế, các trường đại học công lập hay có yếu tố nước ngoài đều thế - ĐH RMIT, Quốc gia, FTU... Và giờ đây, khi Mỹ, Châu Âu đều đang trong cơn khủng hoảng, thì nhiều trường đại học hàng đầu thế giới cũng đã chọn phương thức dạy online để sinh viên không bị “thất học”.
Đó không chỉ là giải pháp duy nhất khả khi vào thời điểm này, tận dụng công nghệ cao để kết nối các học sinh và giúp chúng tiếp cận với nhà trường cùng các bài học vẫn phải “chạy” theo chương trình, mà cũng là cách giúp các học sinh sinh viên bận rộn và “có ích” hơn là ngồi không, không làm gì cả.
Tất nhiên, không phải mọi chuyện đều dễ dàng. Cái khó hay dễ của câu chuyện này nằm ở sự tự giác, tự ý thức và mức độ tập trung. Cũng giống như việc tự cách li, phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức và sự tự giác, việc học online cũng thế. Chẳng hạn cứ đến giờ đó con bạn phải ngồi trước màn hình, phải trao đổi với thầy giáo, phải lĩnh hội kiến thức chứ không thể cùng lúc làm việc khác (xem Facebook hay đọc truyện tranh chẳng hạn).
Thằng bạn mình kể, cậu con trai học năm hai đại học của nó rất lười, và nếu có “lên lớp mạng” thì cũng chỉ là để đối phó, vì không tập trung được. Bạn bảo, thằng bé có gene giống bạn, hiếu động, không thể ngồi lâu được trước màn hình và cả đợt nghỉ này chỉ nghĩ đến việc chơi game mà không học.
Một cô bạn khác thì nói, con cái học online có hiệu quả hay không thực ra phụ thuộc cả vào bố mẹ. Nếu bố mẹ không có cách khuyến khích con, hỗ trợ con, làm tâm lí cho con, thì mấy tháng ngồi học online và làm bài tập trong khi chờ trường mở trở lại sẽ trở nên vô ích.
Mình thì thấy, cái khó của học online là khoảng cách, là sự tiếp xúc ảo, là khả năng lĩnh hội của người học và truyền đạt của người dạy…. Vì thế, học online đòi hỏi sự đóng góp 2 chiều - từ người dạy và từ người học! Nếu chỉ có có thầy cô nỗ lực xây dựng bài giảng, tìm cách để tương tác với học viên, còn học viên thì tắt mic, tắt webcam tranh thủ chơi điện tử hay Facebook thì cũng đành bó tay!
Con gái mình, dù thực lòng học online chỉ là tình thế bắt buộc phải thế, nhưng cũng rất muốn khoảng thời gian này trở nên có ích. Điều quan trọng là tâm thế của người học có sẵn sàng để học hay không. Muốn vậy, thay vì thụ động ngồi chờ đến lúc online để học cho có, các con nên tìm tòi, đọc trước để hiệu quả tiếp thu được tốt hơn. Mình nghĩ đây cũng là cách hiệu quả để lĩnh hội được kiến thức.
Mình đọc được trong một bài chia sẻ của 1 cô giáo ở trường RMIT, thì những sinh viên nào active trong giờ học, chăm chỉ tìm tòi nghiên cứu lại lĩnh hội được nhiều hơn khi học online vì các bài giảng đã được thầy cô chuẩn bị kỹ lưỡng, các con có thể xem lại bất cứ lúc nào, áp lực tự học, tự đọc cũng tăng lên đáng kể.
Khi tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng và chưa biết bao giờ mới kết thúc thay vì kêu ca, đã đến lúc không chỉ học sinh sinh viên vào cuộc tìm hiểu và sử dụng, mà còn cả các bậc phụ huynh cũng nên mày mò để cùng làm quen với con thì hơn…
Cách li với nguồn bệnh và những điều tiêu cực, không có nghĩa là cách li với tri thức, nhất là khi tri thức bây giờ có thể đến với mọi người, dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu…
Trương Anh Ngọc
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Offline và online tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].