Tôi rất phản đối nếu ai đó nói là họ hy sinh cả đời cho con. Tôi không thích từ hy sinh ấy.
Chúng ta sinh con ra là một hạnh phúc. Đừng nói lời hy sinh nghe thảm lắm. Vì thứ chúng ta được luôn nhiều hơn thứ chúng ta mất.
Nhưng tôi cũng không thích coi con cái là khoản đầu tư. Thậm ghét nếu phải nghe cha mẹ nào nói câu: Tốn bao nhiêu nuôi nó đến chừng này, không biết sau này có nên cơm nên cháo gì không, có nuôi lại được bố mẹ ngày nào không?
Nhiều cha mẹ nói câu đó ra vốn chả nghĩ gì đâu, là lời cửa miệng nghe thế nào lặp lại thế. Nhưng nó khiến nhiều đứa trẻ như tôi hồi bé, cảm thấy mình nặng nợ, là cục nợ của bố mẹ.
Tôi luôn coi con cái với mình như một đoạn duyên dài. Hẳn kiếp trước bố con mình từng nợ nần nhau rất nhiều tình nghĩa nên kiếp này chúng ta mới thành cha con. Nghĩ vậy để trân quý mối quan hệ này.
Anh chị em với nhau cũng thế. Không phải là đối xử tốt với nhau để sau này còn giúp đỡ nhau. Mà là lẽ đời tự nhiên là vậy, làm anh chị em với nhau là đương nhiên phải vậy.
Mỗi chúng ta khi gặp nhau, kết thành cha con, mẹ con, vợ chồng, anh em và kể cả bạn bè, đồng nghiệp, đối tác đều là có duyên hết. Nên chúng ta trân quý lấy mối quan hệ này. Nếu nó chưa được tốt, hãy làm cho nó tốt lên.
Tôi luôn chia sẻ với con cái về triết lý nhà Phật như thế. Là tôi cứ suy ra từ tôi, hồi bé theo bà nội lên chùa, nghe bà nội nói về nhân quả mà làm điều xấu là hay sợ. Tôi dạy các con mình biết sợ như thế. Chứ không phải đi xin thần phật may mắn hay lộc lá gì cả.
Chừng nào chúng ta có đức tin, chúng ta sẽ thành những người tử tế. Tôi tin vậy. Lũ trẻ nhà tôi không có bài học chính thức nào về việc "Anh em như thể tay chân- Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần".
Tôi tin vào sợi dây liên kết vô hình của anh chị em ruột với nhau. Chẳng có gì cắt đứt nổi nó. Chỉ là nó sẽ trở nên xa cách nếu như chúng ta thiên vị đứa này, bất công với đứa kia, nuôi dưỡng mầm ích kỷ trong mỗi đứa. Và với cha mẹ- con cái cũng vậy.
Đừng kỳ vọng chúng phải thế này hay thế nọ, cứ yêu thương nhau đi rồi quả sẽ ngọt.
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Con cái là khoản đầu tư hay phần hy sinh của bố mẹ? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].