Nằm sâu bên dưới lớp băng vĩnh cửu tại Bắc Cực, có một căn hầm ngầm chứa hàng triệu hạt giống. Nơi đây nước biển không dâng tới, miễn trừ khỏi chiến tranh, nhiệt độ quanh năm không đổi ở mức -18oC. Căn hầm được thiết kế để cất dấu những hạt giống cuối cùng ngay cả khi nhân loại tận thế.
Các quốc gia đều gửi gen thực vật đặc thù của mình (chủ yếu là hạt giống lương thực) đến ngân hàng này như một bảo hiểm cuối cùng.
Người ta sẽ đóng gói cẩn thận các hạt giống vào một túi nhôm kín, dày ba lớp và khóa chúng vào thùng, trước khi bỏ vào một trong gần 3.000 két an toàn có code ở trong hầm. Chỉ duy nhất người gửi chúng là có quyền mở ra hoặc bỏ đi thay mới số hạt giống, khi họ thật sự cần thiết hoặc tìm ra mã gen thay thế tốt hơn.
Và trong tình thế nguy khốn, “tận thế” nhất, như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, thì con người vẫn giữ được những hạt giống cuối cùng để hồi sinh lại những gì tươi đẹp và an toàn đã có.
Lẩn mẩn nghĩ nếu mỗi người tự có 1 căn hầm tận thế, chứa những hạt giống cuối cùng cho tồn tại của mình. Để ngay cả khi cùng quẫn và tuyệt đường, họ vẫn còn trên tay một vài hạt mầm hy vọng. Thì sao nhỉ? Chúng ta có nó không, căn hầm ấy?
Những ngày này Hà Nội xám mờ buồn bã. Đọc báo và Facebook chỉ thấy COVID-19, mình tránh lên mạng, u ám ngoài đời khá đủ rồi. Mình nhớ nắng và mùa hè rực rỡ. Nhớ những nụ cười từ người dưng mình lâu rồi không còn gặp khi đi bộ trên phố.
Nhớ đôi giày vải màu rêu găm đầy cỏ may từ một buổi chiều mùa hè nào đó, đôi giày đã vào “lãnh cung” vì mình có nhiều đôi mới loè loẹt hơn.
Mình nhớ cuộc sống thường nhật bình thường không có chút ly kỳ - rùng rợn, không chút huyền diệu tí nào, những ngày đôi khi mệt mỏi lê đi, rồi có ngày lại phập phồng như trái tim non.
Cuộc sống ấy khi nhìn lại như ký ức, bỗng mang một hương vị cảm động xa xôi…
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Hương
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Hạt giống cuối cùng tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].